Ngày 26 tháng 04 năm 2024, trong khuôn khổ hoạt động của dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cơ sở trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”, Diễn đàn lâm nghiệp độc lập thay đổi rừng (FCIM) phục vụ chương trình REDD+ khu vực Bắc Trung Bộ đã được tổ chức tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hà Nội.
Tham dự diễn đàn lâm nghiệp có ngài Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam; Ông Lê Thanh, Cán bộ phụ trách dự án của EU; Đại diện Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT); Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng, Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ông Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (SFMI); Ông Nguyễn Phú Hùng, Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD), đại diện VUSTA; Đại diện các CSOs khu vực Bắc Trung Bộ và Hà Nội; Đại diện Quỹ bảo vệ và phát rừng Nghệ An, Sở NN & PTNT tỉnh Nghệ An; Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học Nghệ An; Hội các ngành Sinh học Nghệ An; Đại diện BQL Khu Dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An; Đại diện UBND huyện Tương Dương và Kỳ Sơn; Đại diện Ban Quản lý RPH huyện Tương Dương, Hạt kiểm lâm huyện Kỳ Sơn; Đại diện Hội nông dân huyện Tương Dương và Kỳ Sơn; Đại diện các nhóm FCIM xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, Hữu Kiệm, Tây Sơn, Na Ngoi; Các thành viên BQL dự án, tư vấn và chuyên gia truyền thông cho dự án.
Khai mạc diễn đàn, Ông Đinh Đức Thuận, Giám đốc dự án bày tỏ sự vui mừng và nhiệt liệt chào đón các đại biểu đại diện cho Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam; các cơ quan, ban ngành cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thôn bản, các CSO khu vực Bắc Trung Bộ và Hà Nội đã đến tham dự diễn đàn. Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký với Ngân hàng Thế giới (WB) Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), cam kết giới thiệu Cơ chế Quản lý độc lập thay đổi rừng (FCIM) tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó CSO và cộng đồng địa phương dẫn đầu đảm bảo quản lý rừng tốt và bảo vệ rừng. Dự án đề xuất nhằm xây dựng một hệ thống FCIM và việc chính thức hóa hệ thống này được chính phủ ủng hộ. Để làm như vậy, dự án sẽ xây dựng năng lực của CSO và CBO để hợp tác chặt chẽ với các cơ quan lâm nghiệp phụ trách ERPA ở các cấp khác nhau để thiết kế hệ thống FCIM và tổ chức tham vấn với các cơ quan lâm nghiệp ở cấp quốc gia và 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong diễn đàn này, dự án sẽ đánh giá hiện trạng phát triển mạng lưới FCIM tại Nghệ An, các sản phẩm của FCIM, phân tích được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức; đánh giá các yếu tố tác động đến mạng lưới FCIM (kìm hãm và thúc đẩy), khả năng áp dụng và nhân rộng mô hình tại Nghệ An ra 6 tỉnh Bắc Trung Bộ (tài chính, công nghệ, nhân lực); Kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những giải pháp về chính sách và thể chế hóa vai trò của mạng lưới FCIM trong công tác quản trị rừng.
Diễn đàn đã được nghe những ý kiến phát biểu quý báu của Ngài Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. Theo đó, Ông nhấn mạnh “EU đã cam kết chắc chắn đư mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với mục tiêu rõ ràng là biến Châu Âu thành lục địa trung hòa về khí hậu đầu tiên trên Trái đất. EU dẫn đầu về hành động vì khí hậu và định hình quá trình chuyển đổi xanh vì lợi ích của người dân và khu vực. Cho nên, EU rất hài lòng khi hợp tác với NSA và hỗ trợ dự án này và đặc biệt vui mừng khi biết rằng Chương trình Giảm phát thải (EPR) của WB đã thực hiện một khoản thanh toán đáng kể tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ để đổi lấy việc giảm phát thải. Chúng tôi chúc mừng các đối tác SFMI và CEBR vì những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc biến những kết quả đầu ra khiêm tốn của dự án do EU tài trợ thành những kết quả lớn hơn, điều mà chúng tôi tin rằng cũng có lợi cho mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” của Việt Nam. Điều này, cho phép tôi nhân cơ hội này để nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ông mong muốn Diễn đàn Lâm nghiệp thảo luận và tìm cách (a) chi trả cho mạng lưới FCIM từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng và (b) tăng cường sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ vào quản trị rừng từ nguồn Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Điều này chắc chắn đòi hỏi phải thảo luận nhiều hơn và có lẽ cả hỗ trợ kỹ thuật nữa.
Diễn đàn đã được xem video về dự án, mạng lưới FCIM và việc sử dụng Terra-i trong trong giám sát, quản lý bảo vệ rừng (BTC chuẩn bị); Báo cáo về khai thác hệ thống Terra-i trong giám sát diễn biến rừng (Ông La Văn Ỏn, FCIM bản Na Lượng 1 trình bày); Báo cáo kết quả hoạt động của mạng lưới giám sát thay đổi rừng (FCIM) tỉnh Nghệ An (Bà Vi Thị Hiệp, FCIM xã Tam Thái trình bày); Báo cáo về các hoạt động và kết quả thực hiện dự án từ năm 2020 – 2024 (Bà Đào Thị Minh Châu, Phó Giám đốc dự án trình bày); Báo cáo khả năng áp dụng FCIM tại tỉnh Thanh Hóa (Ông Ngô Quang Hưng trình bày); Báo cáo khả năng áp dụng FCIM tại tỉnh Thừa Thiên Huế (Ông Hoàng Huy Tuấn trình bày); Báo cáo sử dụng công nghệ viễn thám, ảnh vệ tinh và GIS để giám sát tín chỉ các bon rừng (Bà Kim Anh trình bày).
Kết quả cho thấy, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhất là địa bàn huyện Kỳ Sơn, nhưng trong năm qua, dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, mạng lưới FCIM phát triển ổn định trên 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương với hơn 210 thành viên. Dự án đã đề xuất được 30 tổ chức cam kết tham gia mạng lưới FCIM, 10 tổ chức nòng cốt cung cấp nhân sự để đào tạo, tập huấn về Terra-i; Tổ chức 2 khóa đào tạo huấn luyện viên (ToT) về Terra-i cho 10 nhân viên CSO từ 6 tỉnh Bắc Trung Bộ và Hà Nội; Tổ chức 04 khóa tập huấn với 66 CSOs và 36 CBOs thuộc các nhóm FCIM cấp huyện, cấp xã, bản, 80% thành viên có thể khai thác tốt GPS, Terra-I trên điện thoại thông minh/ máy tính; Nâng cao nhận thức về FCIM tại 6 xã vùng dự án (1.800 người) với 270 bản tin truyền thông tin tới hơn 2000 người dân của 18 bản; 6 Chiến dịch truyền thông: tham gia tổ chức 60 người, tham gia các hoạt động 400 người, tham dự trên 2,000 người; Phát tờ rơi (02 loại), Lịch bàn 2023 và Sổ tay kết hợp lịch 2024, Sách hướng dẫn FCIM… tới hơn 3.000 người; tổ chức 1 cuộc thi làm video clip về giám sát thay đổi rừng; tổ chức 04 cuộc thi vẽ tranh về chủ đề bảo vệ rừng; các sản phẩm của các cuộc thi đưa lên Fanpage của CEBR và được gần 500 người vào bình chọn và theo dõi. Hệ thống Terra-i đã ghi nhận 1.626 điểm cảnh báo mất rừng 4,000 ha; 18 FCIM thôn bản kết hợp với 6 ban FCIM cấp xã đã thực hiện 545 đợt thực địa hiện trường, xác nhận 577 điểm mất rừng và phản hồi lên hệ thống Terra-i, có 488 điểm cảnh báo chính xác, phát hiện thêm 50 điểm. Dự án đã cung cấp tài trợ 901.997.040 VN đồng cho 18 nhóm FCIM bản; 18 nhóm FCIM bản đã được hướng dẫn cách nhận, quản lý tiền trợ cấp để tiến hành các hoạt động giám sát/ báo cáo diễn biến mất rừng.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã trao đổi thẳng thắng, cởi mở những nội dung quan trọng:
a) Kết quả giám sát của hệ thống Terra-i, độ chính xác, tiện lợi và thân thiện, khả năng nhân rộng, áp dụng vào các chương trình giám sát rừng của Việt Nam;
b) Vai trò của mạng lưới FCIM trong công tác giám sát bảo vệ rừng, công nhận và thể chế để duy trì hoạt động;
c) Những giải pháp để mạng lưới FCIM hoạt động hiệu quả hơn và có thể nhận rộng ra tỉnh Nghệ An và các tỉnh khác.
Diễn đàn đã ghi nhận các ý kiến phát biểu, trao đổi về tính chính xác, tiện lợi và khả năng phát triển một nền tảng tương tự của Việt Nam, tránh phụ thuộc vào nước ngoài dẫn đến chậm thời gian phát hiện, cảnh báo mất rừng như Trung tâm SRD đang thực hiện (Ông Nguyễn Phú Hùng, SRD). Ngoài ra, độ chính xác cũng chưa cao do sử dụng nguồn ảnh viễn thám miễn phí, cán bộ kỹ thuật ở nước ngoài nên cập nhật chậm (Ông Ngô Quang Hưng, CREMSUD), cần sử dụng những ảnh thu phí, chất lượng cao của Planet (TS. Kim Anh, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam). Về duy trì, công nhận vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác giám sát, bảo vệ rừng, cần thống nhất, đánh giá vai trò của mạng lưới FCIM và mong muốn triển khai mở rộng mạng lưới FCIM, áp dụng hệ thống Terra-i cho các đối tượng chủ rừng khác nhau phục vụ cho việc chi trả dịch vụ rừng, khoán bảo vệ rừng, chi trả theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Đại diện các cấp chính quyền, Bà Kha Thị Hiền, CT UBND xã Tam Quang cho rằng hoạt động của mạng lưới FCIM đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân từ tâm lý đến hành động (không giám chặt phá, xâm hại rừng), và mong muốn dự án mở rộng mạng lưới thêm ở các thôn bản khác và nghiên cứu chi trả theo quỹ carbon. Ông Lô Văn Thanh, Phó Trưởng phòng NN và PTTN huyện Tương Dương cho rằng cần công nhận công cụ, mở rộng và công nhận vai trò của mạng lưới FCIM. Ông Dương Ngọc Hùng, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Nghệ An cho rằng, kinh phí để phát triển, mở rộng, hỗ trợ cho cộng đồng tham gia giám sát rừng là có, nhưng cần có chính sách và cơ chế chi trả, đúng với quy định của pháp luật. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Huynh, Hạt kiểm lâm Kỳ Sơn cho rằng phát triển công cụ theo dõi là cần thiết, duy trì và mở rộng mạng lưới cần được thúc đẩy, công nhận vai trò và có nguồn kinh phí để duy trì.
Diễn đàn cũng nhận được các phản hồi từ tổ chức CIAT về tính chính xác và tiện lợi của công cụ (cán bộ vận hành đều là người Việt Nam); dự án cần đánh giá so sánh với các công cụ khác để thấy tính phù hợp với thực tiễn Việt Nam (Ông Hoàng Thành, Cán bộ chuyên trách Lâm nghiệp); đề nghị các cấp chính quyền công nhận kết quả để làm cơ sở công nhận mạng lưới FCIM (GS. Hùng). Đề xuất, dự án tìm bằng mọi cách, đưa công nghệ phục vụ đến tận người dân, địa phương tốt hơn, có nguồn lực hỗ trợ ban FCIM cấp xã, động viên tinh thần có hiệu quả cao hơn.
Kết luận diễn đàn, Ông Nguyễn Hữu Thiện thống nhất chính quyền, các bên liên quan và mạng lưới FCIM phù hợp với các nhóm cộng đồng, cảnh báo các điểm mất rừng, hoàn toàn có thể sử dụng cho mạng lưới FCIM để bảo vệ rừng do cộng đồng quản lý. Mạng lưới FCIM cần cần phải có sự công nhận tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng mạng lưới FCIM trong công tác bảo vệ rừng và duy trì hiệu quả của dự án. Dự án cần có báo cáo tổng hợp gửi Bộ NN và PTNT kèm theo nhưng đề xuất, kiến nghị. Diễn đàn đã thống nhất cao với các kết luận và mong muốn mạng lưới FCIM tiếp tục phát triển, cải tiến để ngày càng hiệu quả, đóng góp lớn vào công tác giám sát bảo vệ rừng. Dự án nhỏ, nguồn lực ít nhưng đã tập hợp được các tổ chức, các nhà khoa học, các cấp chính quyền cùng tham gia, quan tâm cần được chú ý, xem xét chính sách, chế độ, trang thiết bị, công cụ, phương tiện, tài chính, nguồn lực để đào tạo. Báo cáo cần có sự công nhận của nhà tài trợ, hỗ trợ tìm kiếm các nguồn khác, gợi mở cho các nhà làm chính sách và cần công nhận hiệu quả của dự án, đưa được công nghệ đến với người dân, thôn bản. Đồng thời, ghi nhận những kết quả, kiến nghị của các bên liên quan thông qua báo cáo để gửi các cơ quan quản lý nhà nước, lan tỏa những kết quả của dự án đến các vùng lân cận xung quanh.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH DIỄN ĐÀN LÂM NGHIỆP NĂM 2024
Các đại biểu tham dự Diễn đàn lâm nghiệp chụp ảnh lưu niệm
Ông Đinh Đức Thuận, Giám đốc dự án khai mạc Diễn đàn lâm nghiệp
Ngài Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam phát biểu
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng, Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu và chủ trì diễn đàn lâm nghiệp
Bà Đào Thị Minh Châu, Phó Giám đốc dự án phát biểu, chủ trì và trình bày tại Diễn đàn lâm nghiệp
Ông La Văn Ỏn, FCIM bản Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm trình bày báo cáo tại Diễn đàn lâm nghiệp
Bà Vi Thị Hiệp, FCIM xã Tam Thái, huyện Tương Dương trình bày báo cáo tại Diễn đàn lâm nghiệp
Ông Lô Văn Thanh, Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Tương Dương phát biểu
Bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang, huyện Tương Dương phát biểu
Ông Hoàng Văn Huynh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn phát biểu
Ông Dương Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Nghệ An phát biểu
Tin bài, ảnh: VPHT, CCTT dự án