Năm 2017, Việt Nam đã giới thiệu Chương trình hành động quốc gia về REDD+ giai đoạn 2017-2030 (NRAP) với mục tiêu chung là góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng; gắn và lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh; thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ các - bon; nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững đất nước. Trong giai đoạn 2017-2020 chương trình REDD+ thực hiện các mục tiêu: (1) Góp phần giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động của REDD+; mở rộng độ che phủ rừng lên 42% và đạt 14,4 triệu ha rừng vào năm 2020; (2) Đáp ứng các yêu cầu về mức độ sẵn sàng của REDD+, đảm bảo có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cho các khoản thanh toán dựa trên kết quả theo yêu cầu quốc tế; (3) Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng để tăng trữ lượng carbon và dịch vụ môi trường lâm nghiệp; nhân rộng các mô hình trồng rừng hiệu quả; quản lý bền vững, bảo vệ và bảo tồn rừng tự nhiên; (4) Góp phần cải thiện quản trị rừng, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống của người dân gắn liền với Chương trình nông thôn mới và đảm bảo an ninh và quốc phòng. Mặt khác, trong tóm tắt thông tin đầu tiên về việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong REDD+ tại Việt Nam 2018[1] đã xác định bốn nguyên nhân chính của nạn phá rừng và suy thoái rừng ở Việt Nam: i) Chuyển đổi đất lâm nghiệp sang nông nghiệp; ii) Phát triển cơ sở hạ tầng như đường giao thông và nhà máy thủy điện; iii) Khai thác gỗ không bền vững; và iv) Cháy rừng. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến vấn đề này là quản trị rừng kém, trong đó vấn đề cốt lõi nhất là thiếu minh bạch về thông tin liên quan đến quá trình ra quyết định, thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương và các tổ chức xã hội, thiếu hệ thống[2] trách nhiệm giải trình. Vì vậy, dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” do Liên Minh Châu Âu tài trợ dự kiến triển khai trong 4 năm (2020 – 2024) sẽ góp phần vào mục tiêu cụ thể (4) của NRAP là cải thiện quản trị rừng. Dự án có mục tiêu chung nhằm Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội (CSOs) với vai trò là một tác nhân hiệu quả thúc đẩy quá trình quản trị và phát triển ở Việt Nam; và xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội (CSOs) và các tổ chức cộng đồng (CBOs) trong lĩnh vực lâm nghiệp, giúp họ hợp tác với nhau và với các cơ quan lâm nghiệp tạo nên nền tảng cơ bản để tham gia hiệu quả vào giám sát các chương trình REDD+ (Chương trình giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng. Đồng thời, giải quyết mục tiêu cụ thể là tăng cường năng lực của các tổ chức xã hội, thiết lập môi trường thuận lợi cho các tổ chức xã hội ở Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu về sự tham gia của các tổ chức xã hội đối với quá trình phát triển mới ở Việt Nam. Dự án này do Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (SFMI) cùng Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học (CEBR) đồng tiếp nhận và thực hiện.
[1] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tóm tắt thông tin về REDD + của Việt Nam, tháng 1 năm 2018
[2] Fern, Rapid Governance Brief, 2018 |