Tôi có ấn tượng tốt với Vừ Bá Đồng ngay từ cái nhìn đầu tiên khi bắt gặp em tại khóa tập huấn “Sử dụng Terra-i trong theo dõi diễn biến rừng gần thời gian thực huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An”. Đồng đến rất sớm cùng 3 người khác, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, lưng đeo 1 cái cặp Laptop cũ. Đồng chào hỏi tôi với ánh mắt thông minh, linh hoạt và nụ cười thân thiện, xong rồi quay lại mở máy tính và bắt đầu giới thiệu cho những người đi cùng về trang web Terra-i. Tôi không nghe được thứ tiếng mà Đồng sử dụng nên không hiểu Đồng giảng giải những gì nhưng thấy cả 3 người còn lại đều rất lắng nghe và gật gù tiếp thu.
Tò mò về Đồng, tôi đến gần, chạm nhẹ vào vai Đồng và hỏi “Em là cán bộ xã nào?”, Đồng ngẩng lên và đáp rất nhanh “Không ạ, em là bí thư bản Huồi Giảng 1 – xã Tây Sơn”. Thấy tôi ngạc nhiên, Đồng tiếp tục giải thích “Em kết nạp Đảng khi hoạt động Đoàn”. Nhìn Đồng còn rất trẻ mặc dù trán đã hói tròn lên tận đỉnh đầu, tôi vui vẻ hỏi tiếp: “Bí thư trẻ như này à? Có lãnh đạo được cả già làng, trưởng bản không?”. Đáp lời tôi, Đồng nói “Em đã 35 tuổi rồi ạ” …
Câu chuyện cứ thế càng lúc càng rôm rả vì có sự tham gia của 3 thành viên còn lại. Chỉ khoảng 10 phút đầu buổi sáng, tôi đã tiếp nhận được nhiều thông tin khác nữa về Đồng. Học viên người H’Mông này là trưởng nhóm FCIM Huồi Giảng 1. Trong thời gian qua, nhóm của Đồng luôn đi đầu trong các hoạt động giám sát thay đổi rừng và sắp tới sẽ là nhóm đầu tiên của huyện Kỳ Sơn được nhận khoản tài trợ (54 triệu đồng) từ dự án, dành cho hoạt động của các nhóm FCIM cộng đồng (CBOs).
Đối với người dân ở các vùng miền núi, sử dụng công cụ viễn thám, GPS và internet để nâng cao hiệu quả giám sát rừng là khá khó khăn. Một số người đã nản chí khi học mãi mà chưa hiểu, thực hành mãi mà chưa làm được. Thái độ học tập tích cực, nhanh nhẹn, sự làm việc năng nổ, nhiệt tình và thành thạo của Vừ Bá Đồng đã tác động tích cực đến những thành viên khác, khiến họ hào hứng và cố gắng hơn.
Một ngày sau, khi có mặt ở bản Huồi Giảng để bắt đầu giờ thực hành tại hiện trường. Vừ Bá Đồng càng làm tôi ngạc nhiên hơn trước những thử thách của đội ngũ cán bộ đào tạo: “Theo Đồng, bây giờ, nếu chúng ta đang ở đây, khi cần đi kiểm tra điểm có ID là 5875 thì sẽ đi hướng nào? Dự kiến thời gian sẽ là bao lâu?”. Vừ Bá Đồng nhanh nhẹn quan sát trên bản đồ Terra-i; sử dụng thành thạo thiết bị GPS và khẳng định chắc chắn: “Sẽ khoảng 5km từ đây, về hướng Tây Bắc, Em đi thì mất khoảng 2 tiếng, thầy cô đi thì tùy”. Điệu cười hiền hòa sau chữ “tùy” ấy làm chúng tôi cảm thấy tin tưởng học viên người H’Mông này đến lạ. Có lẽ, nếu mỗi nhóm FCIM có một người như em, công việc của cả nhóm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Say sưa chỉ dẫn cho mọi người một cách thành thục, vô hình chung, Vừ Bá Đồng trở thành một trợ giảng đắc lực cho chúng tôi. Cũng bởi thế mà hoạt động thực hành tại hiện trường trong ngày hôm ấy đã kết thúc sớm hơn so với dự kiến. Gần như các học viên của lớp tập huấn đã trở nên thành thạo hơn sau 1 ngày di chuyển tại vùng rừng xã Tây Sơn.
“Em đề nghị cô tổ chức hội ý nhóm cho lớp trên này, 1 điểm du lịch của xã Tây Sơn với nhiều cây Pơ-mu rất đẹp”. Được sự đồng ý của chúng tôi, Vừ Bá Đồng háo hức dẫn dắt cả lớp đi theo một con đường dốc từ sau bản, ngược lên một vùng rừng phía trước. Tôi chỉ dõi theo bước chân thoăn thoắt ấy và cố gắng leo lên cùng các học viên khác, được đúng 5 phút đồng hồ là thở không nổi. Bởi dù chặng đường không quá xa, nhưng chúng tôi không quen với địa hình đồi dốc như những học viên người dân tộc thiểu số của lớp tập huấn này. Chừng 30 phút sau, cả lớp tụ tập đông đủ trên khu rừng Pơ-mu. “Vì sao ngay gần bản mà còn giữ được khu rừng đẹp thế này?” – Tôi hỏi. Đồng đáp ngay “Bản chúng em có hương ước từ thời xưa, lớn lên, em đã thấy khu rừng này rồi, không một ai được động đến nó, dù chỉ là một cành cây…”.
Người H’Mông vốn ít khi cởi mở với cộng đồng các thành phần dân tộc khác khi tiếp xúc. Tuy nhiên, hôm nay, Vừ Bá Đồng đã dành hẳn 30 phút để kể cho lớp tập huấn nghe về truyền thuyết giữ rừng của người dân các bản Huồi Giảng. Từ chuyện cúng con ma rừng mỗi năm cho đến việc hôm nay, dân bản đã xây dựng khu rừng này thành một điểm du lịch sinh thái - đầy màu sắc huyền thoại và gửi gắm vào đó là cả một tình yêu thiên nhiên, rừng núi của cộng đồng người H’Mông ở Tây Sơn.
Giờ thì tôi đã hiểu hơn về em, biết được vì sao Đồng lại cố gắng để nhanh chóng tiếp cận được với những kiến thức của dự án giám sát rừng độc lập, vì sao em lại rất tích cực chia sẻ với mọi người những hiểu biết về Terra-i, và vì sao em lại kể chuyện về khu rừng xanh nơi quê hương em... Chỉ một tình yêu thiên nhiên trong sáng, sự gắn bó máu thịt với núi rừng đầy trách nhiệm, mới có thể có những công dân như Vừ Bá Đồng – người học viên ưu tú của chúng tôi.
Vừ Bá Đồng không chỉ là người lãnh đạo Nhóm FCIM Huồi Giảng 1 - luôn đi đầu trong thời gian qua, mà còn trở thành người dẫn dắt quan trọng của các nhóm FCIM xã Tây Sơn.
Ngọc Dũng & Minh Châu
(Dự án CSO-LA/2019/411-843)