Ngày 15 tháng 10 năm 2020, tại Thành phố Vinh (Nghệ An), Viện Nghiên cứu Quản lý Rừng Bền vững và Chứng chỉ Rừng (SFMI) cùng với Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học (CEBR) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cơ sở (CSO) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”. Dự án được EU phê duyệt tài trợ trong bối cảnh Chương trình quốc gia về REDD+ đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 05 tháng 04 năm 2017 với mục tiêu chung là góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng; lồng ghép với thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát khí thải nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh; thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ cac-bon; cải thiện quản trị rừng, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống của người dân gắn liền với Chương trình nông thôn mới và đảm bảo an ninh và quốc phòng.
Tham dự Hội thảo, có Bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp; Ông Nguyễn Ngọc Lung, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Rừng Bền vững và Chứng chỉ Rừng; Ông Nguyễn Phú Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt nam; Ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An; Bà Nguyễn Thị Giang An, Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học; Ông Lê Quang Vượng, Hội các ngành Sinh học Nghệ An. Đại diện các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và tổ chức xã hội (CSOs) khu vực Bắc Trung Bộ đến từ Trung tâm Tư vấn phát triển Lâm nghiệp Nghệ An, Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Nghệ An, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên và Phát triển bền vững (Huế), Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nguồn lực Nông thôn (Hà Tĩnh), Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài Nguyên (Huế), Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung CRD (Huế), Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển- CIRD (Quảng Bình). Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, cán bộ các xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái,Na Ngoi, Hữu Kiệm, Tây Sơn, nơi dự án sẽ thực hiện thí điểm; cán bộ Viện Nghiên cứu Quản lý Rừng Bền vững và Chứng chỉ Rừng, Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học. phóng viên đưa tin của Báo Nghệ An, Đài truyền hình Nghệ An (NTV).
Hình 1. Quang cảnh Hội thảo khởi động
Trong diễn văn khai mạc hội thảo, bà Dương Thị Liên, Điều phối viên dự án cho biết, dự án sẽ thực hiện tại 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương của tỉnh Nghệ An trong 4 năm, ưu tiên các hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động bất lợi của nó tại Việt Nam, tạo điều kiện và thúc đẩy các tổ chức xã hội cấp cơ sở vào giám sát REDD+. Đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ dự án là Mười (10) nhân viên kỹ thuật của CSOs và hơn 30 thành viên của CSOs thuộc mạng lưới VNGOs-CC, VNGOs-FLEGT và REDD+; 180 người là thành viên của 18 tổ chức CBOs (Nhóm tuần tra và bảo vệ rừng - FPPG và hoặc Hội nông dân xã); 1800 người dân ở 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An (trong tổng số 18 làng/ bản); 60 cán bộ quản lý ở các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An và 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, cụ thể là từ Chi cục Kiểm lâm (FPD) tỉnh, các Hạt kiểm lâm huyện, Ban chỉ đạo REDD+ Nghệ An đang quản lý chương trình REDD+ trên địa bàn tỉnh (PRAP), Ban quản lý chương trình Giảm phát thải (ER-P) của Nghệ An, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Nghệ An (VFPDF).
Hình 2. Bà Dương Thị Liên, Điều phối viên dự án khai mạc và giới thiệu chương trình Hội thảo
Hội thảo được TS. Đào Thị Minh Châu, Phó Giám đốc dự án chia sẻ các mục tiêu và nội dung của dự án hướng tới thực hiện trong 4 năm kể từ năm 2020 đến năm 2024. Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” do Liên Minh Châu Âu tài trợ được triển khai trong 4 năm (2020 - 2024) sẽ góp phần giải quyết mục tiêu cụ thể (4) của NRAP là cải thiện quản trị rừng. Mục tiêu chung của dự án là “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội (CSOs) với vai trò là một tác nhân hiệu quả thúc đẩy quá trình quản trị và phát triển ở Việt Nam; và xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội (CSOs) và các tổ chức cộng đồng (CBOs) trong lĩnh vực lâm nghiệp, giúp họ hợp tác với nhau và với các cơ quan lâm nghiệp tạo nên nền tảng cơ bản để tham gia hiệu quả vào giám sát các chương trình REDD+ (Chương trình giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng”. Đồng thời, giải quyết mục tiêu cụ thể là “Tăng cường năng lực của các tổ chức xã hội, thiết lập môi trường thuận lợi cho các tổ chức xã hội ở Việt Nam tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu về sự tham gia của các tổ chức xã hội đối với quá trình phát triển mới ở Việt Nam”. Các tổ chức xã hội ở khu vực Bắc Trung Bộ và Hà Nội sẽ hình thành một mạng lưới giám sát rừng độc lập (FCIM), có đủ năng lực để làm chủ và sử dụng công nghệ Terra-i cho các hoạt động giám sát thay đổi rừng. Dự án tiến hành 3 nhóm hoạt động là nhóm các hoạt động xây dựng năng lực, nhóm các hoạt động xây dựng và vận hành hệ thống giám sát, nhóm các hoạt động mở rộng mạng lưới FCIM. Với chuỗi 14 hoạt động nhỏ, dự án cho các kết quả mong đợi là (a) Xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng và người dân địa phương về giám sát REDD+; (b) Hệ thống Giám sát các hoạt động REDD+ của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng và người dân địa phương được thiết lập và đưa vào thực tiễn; (c) Xây dựng nền tảng cho các cuộc trao đổi, đối thoại về các vấn đề quản trị rừng giữa các các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng và người dân địa phương (LC) với những người làm chính sách và các cơ quan quản lý rừng của chính quyền các cấp.
Hình 3. TS. Đào Thị Minh Châu, Phó Giám đốc dự án chia sẻ các mục tiêu và nội dung của dự án
Phát biểu tại hội thảo, Ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An mong rằng dự án sẽ góp phần vào sự phát triển và ổn định của ngành Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An; việc tăng cường giám sát của các tổ chức xã hội cấp cơ sở trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Nghệ An là động lực hỗ trợ về mặt kỹ thuật và nguồn lực cho các chương trình lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ông cũng vui mừng khi Nghệ An được chọn làm địa bàn để thực hiện dự án này và mong rằng các cơ quan liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi, để dự án thực hiện thành công và mang lại hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng.
Hình 4. Ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An phát biểu tham luận
Ông Nguyễn Phú Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong 6 nước tham gia rất sớm chương trình REDD+ của Quốc tế, viết tắt là UN-REDD, được tài trợ 2 giai đoạn. Bắc Trung Bộ là nơi có diện tích rừng ổn định nhất, có khả năng chi trả dựa trên kết quả do có diện tích rừng tăng lên, trữ lượng rừng tăng lên trong thời gian qua. Một yêu cầu quan trọng của chương trình REDD+ là xây dựng sự minh bạch trong chi trả dịch vụ rừng, có sự đóng góp của hệ thống các tổ chức xã hội dân sự (CSO). Bởi vì, những người dân ở địa phương mới nắm bắt được trạng thái rừng, diện tích rừng một cách tốt nhất để đo đếm, giám sát, quản lý diện tích rừng của họ. Ông mong rằng, dự án này sẽ thành công, xây dựng được năng lực cho người dân để tham gia vào giám sát hoạt động rừng. Ông mong rằng các tổ chức xã hội được tham gia vào dự án sẽ được đào tạo tập huấn bài bản, làm nòng cốt để hướng dẫn người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng, họ sử dụng được phần mềm công nghệ vào hoạt động giám sát bảo vệ rừng.
Hình 5. Ông Nguyễn Phú Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt nam phát biểu tham luận
Bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, Bắc Trung Bộ có vị trí rất quan trọng trong bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rừng với 17 khu bảo tồn, 19 khu vực quan trọng tầm quốc tế, chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân mất rừng được chỉ ra là chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo theo kế hoạc sang trồng cao su và sử dụng đất nông nghiệp khác, sang rừng trồng, xây dựng thủy điện và cơ sở hạ tầng, khai thác gỗ bất hợp pháp. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là giảm phát theo 4 hợp phần và 28 hoạt động chính sẽ thực hiện tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, trong đó, nâng cao năng lực quản trị rừng và thực thi pháp luật, chính là một phần của mục tiêu dự án này. Dự án sẽ góp phần duy trì sinh kế bền vững, tăng thu nhập và việc làm cho người dân sống chủ yếu dựa vào rừng; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn tài nguyên rừng; bảo vệ và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái; tăng cường quản trị xã hội cấp thôn bản; quản lý và quản trị rừng bền vững, cải thiện quản lý đất, rừng và quy hoạch sử dụng đất có sự tham gia.
Hình 6. Bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu tham luận
GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Rừng Bền vững và Chứng chỉ Rừng cho rằng, các tỉnh Bắc Trung Bộ đều tham gia chương trình REDD+, tức là Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030, trong đó khí cacbonic là một trong những nguyên nhân gây nên biến đổi khí hậu. Dự án này sẽ giúp về mặt kỹ thuật, cho chúng ta biết rừng biến đổi diện tích như thế nào, góp phần vào chương trình giảm phát thải, hướng tới thị trường các-bon. Chính người dân là người sẽ hỗ trợ cho các lực lượng bảo vệ rừng để giám sát sự thay đổi rừng bằng cách sử dụng các công nghệ hiện đại.
Hình 7. GS.TS. Nguyễn Ngọc Lung, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Rừng Bền vững và Chứng chỉ Rừng phát biểu tham luận
Ông Ludovino Rui, Tham tán thứ nhất của Phái đoàn EU tại Việt Nam trong thông cáo báo chí cũng cho biết “Liên minh Châu Âu đã sẵn sàng hỗ trợ dự án khởi động ngày hôm nay để tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quản trị rừng. Dự án rất phù hợp và hỗ trợ kịp thời cho Hiệp định Đối tác Tự nguyện Việt Nam-EU về Thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm nghiệp mới có hiệu lực hơn một năm nay. EU tin tưởng rằng, nhiều tổ chức xã hội tham gia vào dự án sẽ tạo động lực thúc đẩy công tác quản lý và bảo vệ rừng ở Việt Nam trong những năm tới hiệu quả hơn”.
Đến với Hội thảo, đại điện các tổ chức NGO và cán bộ 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương cũng đã có nhiều phát biểu, tham luận đóng góp cho hoạt động của dự án. Đại biểu Ngô Trí Dũng, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Quản lý Tài Nguyên (Huế), rất quan tâm đến mạng lưới giám sát rừng độc lập (FCIM), tính bền vững của mạng lưới và liên kết giữ các mạng lưới hiện nay để hợp tác, thực hiện các chương trình dự án lâm nghiệp; tính khả thi của phần mềm Terra-I cũng như khả năng mở rộng ra các tỉnh khác trong khu vực Bắc Trung Bộ như ở Huế, cũng như đồng bộ hóa với dữ liệu của các phần mềm khác như FOMIS. Trong khi đó, đại biểu Phan Văn Hùng, Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung CRD (Huế), lại trăn trở với cơ chế hoạt động của mạng lưới giám sát FCIM, khi huy động các tổ chức đoàn thể xã hội, mặt trận tham gia công tác bảo vệ rừng, nhưng các tổ chức này giám sát rừng do mình quản lý hay giám sát rừng của các tổ chức khác (hộ nông dân giám sát rừng của lâm nghiệp); mạng lưới cần xây dựng một khung pháp lý, các tổ chức xem xét có áp dụng, không ký cam kết, mang tính chất ràng buộc ngay từ đầu. Mạng lưới cần phải mang tính bền vững, kế thừa để phát triển dự án khác. Về vai trò của các tổ chức CSO, bà Trần Thị Thanh, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nguồn lực Nông thôn (Hà Tĩnh), cho rằng, các tổ chức CSO ở khác tỉnh Nghệ An, có thể đóng góp gì cho các hoạt động của dự án. Ông Hoàng Huy Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Bảo tồn Tài nguyên thiên nhiên và Phát triển bền vững (Huế), rất quan tâm đến tính bền vững của dự án, mong muốn rằng hệ thống giám sát mà dự án này đang xây dựng được UBND các huyện ra một văn bản công nhận hệ thống có giá trị pháp lý và các đơn vị khác có thể học tập, áp dụng. CSO nòng cốt cấp tỉnh, cần được xây dựng và có năng lực để liên kết các tổ chức khác cùng xây dựng một hệ thống giám sát độc lập, gắn kết được với các chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Thành Nhâm, Trung tâm Tư vấn phát triển Lâm nghiệp Nghệ An, cho rằng dự án là kênh để kết nối các CSO, nhưng cần phải có các tiêu chí cụ thể để xây dựng các CSO nòng cốt và nên tích hợp với các công nghệ khác. Anh Nguyễn Thành Chung, Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học, cho rằng, phần mềm Terra-I là phần mềm có khả năng tương thích cao, dễ sử dụng, mang tính cập nhập và cho độ chính xác cao về mất rừng. Ông Nguyễn Tất Hòa, Trưởng BQL Rừng phòng hộ, huyện Tương Dương cho rằng diện tích rừng Dương rất lớn, cần phải có sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị vào bảo vệ rừng cho nên dự án này rất cần thiết, đặc biệt nó tham gia vào quá trình chi trả dịch vụ rừng nhưng cần xử lý số liệu giám sát (khi mất rừng). Các tổ chức xã hội cần phải tự giác, tránh bao che trong công tác giám sát, bảo vệ rừng nên cần phải xây dựng quy chế, tổ chức hoạt động cụ thể, gắn trách nhiệm của tổ chức.
Hình 8. Phát biểu tham luận của một tổ chức NGO đến từ Thừa Thiên Huế
Hình 9. Đại biểu tham dự phát biểu tham luận
Hình 10. Đại diện Hội chủ rừng huyện Tương Dương phát biểu tham luận
Kết thúc buổi Hội thảo, thay mặt cho Ban tổ chức, TS. Đào Công Khanh, Giám đốc dự án cảm ơn sự hiện diện và đóng góp ý kiến thảo luận của các Đại biểu từ các cơ quan, tổ chức Trung ương đến địa phương. Các ý kiến sẽ góp phần cho Ban quản lý dự án điều chỉnh các hoạt động phù hợp với điều kiện của địa phương và định hướng đạt được các kết quả mong muốn của dự án. Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” CSO-LA/2019/411-843, do Ủy ban châu Âu – EU tài trợ sẽ được tiến hành trong 4 năm tại 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn trên 6 xã được lựa chọn, dự kiến đạt được các kết quả đầu ra mô tả trong văn kiện dự án.
Hình 11. TS. Đào Công Khanh, Giám đốc dự án, Chủ trì Hội thảo khởi động trả lời, giải đáp và làm rõ các vấn đề liên quan đến dự án.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH HỘI THẢO KHỞI ĐỘNG
Hình 12. Ban thư ký đón tiếp đại biểu tham dự Hội thảo khởi động
Hình 13. Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Hình 14. Cán bộ Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học chụp ảnh lưu niệm
Hình 15. Cán bộ dự án chụp ảnh lưu niệm
Hình 16 . Đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Tin bài: Hồ Đình Quang, CEBR
Ảnh: Hồ Quang, Ngọc Anh