Hiện nay, ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách, làm suy giảm chất lượng môi trường sống, đe dọa đến sức khỏe và gây nên nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Việc ô nhiễm môi trường diễn ra trên diện rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố cơ bản của quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân, cho thấy các quy định của pháp luật về môi trường chưa được thực thi hiệu quả. Trước thực tế đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự vào việc giám sát thực thi pháp luật về môi trường tại địa phương.
Chương trình tập huấn cho các tổ chức xã hội dân sự
trên địa bàn 2 xã Châu Cường và Châu Đình huyện Quỳ Hợp
Được sự tài trợ của Cộng hòa Séc thông qua dự án “Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội địa phương trong giám sát thực thi pháp luật về môi trường cho các khu vực miền núi tỉnh Nghệ An, mã số: 20-22VN01”, Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học (CEBR) thuộc Hội các ngành Sinh học Nghệ An đã tổ chức chương trình tập huấn cho các tổ chức xã hội dân sự trên địa bàn 2 xã Châu Cường và Châu Đình huyện Quỳ Hợp.
Chương trình tập huấn chú trọng các nội dung liên quan đến ô nhiễm môi trường và tác động của ô nhiễm môi trường, các chỉ tiêu đánh giá chất lượng môi trường, chính sách pháp luật về môi trường, và thủ tục phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, khởi kiện trong lĩnh vực môi trường của người dân. Chương trình tập huấn được diễn ra trong 2 ngày 15-16 tháng 07/2022 với sự tham gia của 20 đại diện đến từ các tổ chức như Hội nông dân, Hội Liên Hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên 2 xã Châu Đình và Châu Cường, đại điện các chi hội tại bản Điểm, bản Hốc, bản Na Hầm thuộc xã Châu Đình và các bản Mường Ham, Nhang Thắm, Nhọi của xã Châu Cường.
Chương trình tập huấn chú trọng các nội dung liên quan đến ô nhiễm
môi trường và tác động của ô nhiễm môi trường tại địa phương
Chị Vi Thị Hằng – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp cho biết: “Lâu nay Hội cũng tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như tổ chức dọn dẹp vệ sinh, hay tuyên truyền cho các xóm bản… Tuy nhiên đây là lần đầu tiên Hội được truyền đạt các nội dung và kỹ năng liên quan đến pháp luật về môi trường. Chương trình tập huấn rất có ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức và vai trò của các thành viên trong Hội”.
Trao đổi với PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giảng viên khoa Luật học, trường Đại học Vinh, chuyên gia của chương trình tập huấn cho biết: "Với mục tiêu nâng cao năng lực giám sát thực thi pháp luật về môi trường cho các tổ chức xã hội ở xã Châu Cường và xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, chúng tôi đã thiết kế các nội dung về: Chính sách và pháp luật môi trường, trong đó nhấn mạnh quyền và nghĩa vụ của người dân, tổ chức xã hội trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt trong tranh chấp về lĩnh vực môi trường; Thủ tục phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, khởi kiện trong lĩnh vực môi trường, trong đó nhấn mạnh quy trình viết các loại đơn như đơn phản ánh, kiến nghị, đơn khiếu nại, đơn khởi kiện; Kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân. Tất cả những nội dung trên đều phù hợp với nhận thức của người dân nói riêng và tổ chức xã hội nói chung".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc trao đổi tại chương trình tập huấn
Kết thúc chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực giám sát thực thi pháp luật về môi trường cho các tổ chức xã hội tại huyện Quỳ Hợp, lực lượng nòng cốt của các tổ chức xã hội đã nắm rõ được tất cả các quyền và nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực môi trường; đã tự mình viết được các đơn phản ánh, kiến nghị, đơn khiếu nại, đơn khởi kiện … nhằm tự mình có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước sự xâm hại của hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường; đã có kĩ năng để tư vấn và chia sẻ các nội dung được truyền đạt tới các tổ chức và trong cộng đồng của mình.
Theo Hồ Ngọc, Tạp chí Kinh tế môi trường.
https://kinhtemoitruong.vn/nghe-an-nang-cao-nang-luc-giam-sat-thuc-thi-phap-luat-ve-moi-truong-cho-cac-to-chuc-xa-hoi-69274.html