Dưới những tán rừng tại Việt Nam, một nhóm người dân địa phương, trong đó có chị Vi Thị Tươi, đang cùng nhau trao đổi, chia sẻ và thực hành cách thức trồng trọt và bảo tồn dược liệu.
Vi Thị Tươi (trái), Lò Thị Thưởng và Lò Thị Ó (người dân tộc thiểu số tại bản Ngọn, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An). Ảnh: Lê QuangVượng
Chị Tươi là thành viên của một nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số địa phương tham gia làm việc tại một vườn ươm cây dược liệu ở bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa, thuộc huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Đây là một trong hai vườn ươm trồng cây dược liệu trong khuôn khổ dự án do Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học thực hiện với sự tài trợ của Chương trình Tài trợ Nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF/SPG).
Chị Tươi giải thích lý do chị đến làm việc cho vườn ươm: “Ngay từ những ngày đầu thiết kế dự án, phụ nữ chúng tôi đã nhiều lần được mời tham gia các cuộc họp. Cả phụ nữ và đàn ông trong xã đều được hỏi về loại cây thuốc nào có trong vùng, chúng mọc ở đâu, thời điểm và cách thu hoạch, cách bảo quản và bán cho ai”.
Trước khi có dự án, chị Tươi là đầu mối thu hái cây dược liệu trong cộng đồng để bán cho thương lái. Vì vậy, chị Tươi dễ dàng nhận thấy các loài cây bản địa làm thuốc chữa bệnh tại địa phương đang ngày càng cạn kiệt, khó thu mua hơn.
Diện tích rừng quanh bản đang thu hẹp do mất rừng, những loài cây dược liệu có giá trị kinh tế và giá trị chữa bệnh cao đang dần biến mất tại địa phương do các loài cây này chỉ mọc trong râm mát, dưới tán rừng.
Bất chấp những đợt gió mùa đông bắc se lạnh, chị Vi Thị Tươi (ngoài cùng bên phải) cùng chị em người Thái bản Ngọn vẫn quyết tâm tỉa cành Ba Kích một cách khéo léo tại vườn ươm cây dược liệu bản Xiềng Líp do dự án hỗ trợ. Ảnh: Lê Quang Vượng
“May mà cán bộ hỏi cả vợ và chồng chứ nếu chỉ hỏi mấy ông đàn ông thì chắc họ cũng bó tay – đàn ông không trả lời được, vì chúng tôi [phụ nữ] mới là người đi hái thuốc trong rừng,” chị Tươi nhớ lại.
Những khuyến nghị của họ về cây thuốc như Ba kích, Khôi nhung, Bách bộ và Chè hoa vàng đã được ghi nhận và đưa vào các hoạt động của dự án một cách hợp lý.
‘Dự án khuyến khích các ông chồng cùng tham gia với những người phụ nữ như chúng tôi trong các hoạt động khác nhau như gùi cây giống vào rừng và chuẩn bị hố để trồng. Chúng tôi cũng rất thích mọi người trong gia đình và các gia đình khác cùng tham gia vì như vậy thì khối lượng công việc được san sẻ, đảm bảo trồng kịp thời vụ và cũng gia tăng tình đoàn kết giữa mọi người”, chị Tươi cho biết thêm.
Tuy nhiên, phụ nữ vẫn đóng một vai trò đặc biệt trong công việc chăm sóc tại vườn ươm. Các hoạt động ở đây đều có sự tham gia chủ yếu của hội phụ nữ địa phương.
Đây là một ví dụ điển hình về công tác chuyên môn kỹ thuật của Hội phụ nữ, thậm chí có thể gắn với cơ hội khởi nghiệp cho phụ nữ từ các vườn ươm này.
Ảnh: Chị Tươi chăm sóc cây non. Các vườn ươm này cung cấp cây giống dược liệu về trồng tại các xã Nga My, Yên Hòa. Ảnh: Lê Quang Vượng
Trồng cây dược liệu dưới tán rừng sẽ gia tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Các loài cây dược liệu được dự án lựa chọn là cây ưa bóng, đòi hỏi phải có tán rừng mới phát triển được. Vì vậy, người dân địa phương muốn duy trì thu nhập từ cây dược liệu thì họ phải nỗ lực bảo vệ cây rừng. Đúng là một công đôi việc!
Các thành viên của cộng đồng biết đến các hoạt động của dự án thông qua các chương trình phát thanh thôn bản, các bản tin, cuộc họp trực tiếp và qua fanpage trao đổi thông tin về các sản phẩm nông nghiệp.
Khi được hỏi về những khó khăn khi trồng dược liệu dưới tán rừng, chị Tươi cho biết: “Bà con lo lắng không biết tìm giống cây dược liệu ở đâu, không đủ tiền mua phân bón, hàng rào bảo vệ, nhất là các hộ nghèo. Ngoài ra, giá dao động đáng kể tùy thuộc vào số lượng đầu ra, được mùa thì dễ bị mất giá.”
Với kinh nghiệm thu gom dược liệu và bán cho thương lái, chị Tươi và những phụ nữ khác ở địa phương đã đề xuất thành lập quỹ quay vòng để giúp mở rộng diện tích, tạo thành vùng dược liệu đủ lớn mới thu hút được các công ty vào thu mua.
Quỹ quay vòng cũng tạo cơ hội cho nhiều hộ gia đình ở địa phương có thể tham gia trồng và sơ chế cây dược liệu dưới tán rừng để cải thiện thu nhập.
Đáp lại, dự án đã giúp thành lập quỹ quay vòng để thúc đẩy việc trồng trọt cây dược liệu và kết nối trực tiếp cộng đồng với người mua. Quỹ quay vòng cung cấp cây giống và các khoản vay cho các thành viên cộng đồng địa phương để họ có thể mua phân bón và hàng rào bảo vệ.
Đến nay, Hội Y học cổ truyền Nghệ An và một số công ty trong nước đã lên kế hoạch thu mua đầu ra của các cây thuốc bản địa này.
Bài và ảnh: Lê Quang Vượng
Nguồn: UNDP Viet Nam, https://undpvietnam.exposure.co/chung-toi-ph-n?source=share-UNDPVietNam