Ngày 23 tháng 08 năm 2023, Hội nghị sơ kết Dự án “Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An” - Mã số dự án: VNM/UNDP/2021/06, đã được tổ chức thành công tại xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Tham dự Hội nghị sơ kết dự án, đại diện UBND huyện Tương Dương, UBND xã Yên Hòa, UBND xã Nga My, UBND xã Tam Quang, UBND xã Tam Đình, UBND xã Tam Thái, UBND xã Yên Thắng, UBND xã Tam Hợp, UBND xã Yên Tĩnh, UBND xã Yên Na, UBNĐ xã Xiêng My; đại diện Phòng NN &PTNT huyện Tương Dương, VQG Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống, BQL RPH Tương Dương, Hội LHPN huyện Tương Dương, Hội Nông dân huyện Tương Dương, Hạt kiểm lâm Tương Dương. Đặc biệt, tham dự và điều hành hội nghị, Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia, Chương trình tài trợ nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liệp Hợp Quốc (GEF/SGP UNDP), bà Đào Thị Minh Châu, PGĐ Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học cùng các cán bộ dự án. Hội nghị cũng được đón tiếp đại diện các doanh nghiệp về dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An là Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát và Công ty Cổ phần Đông Nam dược miền Trung. Tham dự và đưa tin cho hội nghị sơ kết có các cơ quan báo chí, đài truyền hình huyện Tương Dương.
Thay mặt BĐH dự án, bà Đào Thị Minh Châu, Phó Giám đốc – Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học, đơn vị chủ trì dự án đã trình bày những kết quả đạt được của dự án sau một năm thực hiện, đánh giá những thuận lợi/khó khăn để đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện tốt hơn các hoạt động trong thời gian tới. Theo đó, sau một năm thực hiện, dự án đã tiến hành tổng cộng 62 hoạt động trong 7 kết quả đề ra của dự án, 22 hoạt động đã hoàn thành, 28 hoạt động đang thực hiện, 12 hoạt động chưa thực hiện (sẽ thực hiện vào năm 2 như kế hoạch), 2 hoạt động bị chậm tiến độ, bao gồm thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích và quy chế quản lý rừng bền vững của cộng đồng; vay vốn từ Quỹ quay vòng và mở rộng diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng. Trong 1 năm qua, dự án đã thảo luận với Khu BTTN Pù Huống, BQL RPH Tương Dương xây dựng Cơ chế chia sẻ lợi ích trên 2.957 ha rừng; tổ chức các cuộc họp xây dựng Quy chế quản lý và thu hái rừng bền vững; hoàn thiện, in ấn, phát tán Quy chế đến cộng đồng, các bên liên quan. Dự án đã xây dựng, biên soạn 5 bộ tài liệu, bài giảng, tập huấn; tổ chức được 2 lớp tập về quản lý, bảo tồn và thu hái dược bền vững; 6 lớp tập huấn nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch dược liệu; 2 nhóm với khoảng 20 người đã nắm được kỹ thuật nhân giống 5 loài dược liệu; 6 nhóm với khoảng 60 người đã nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc 5 loài cây dược liệu. Để mở rộng diện tích, dự án đã tổ chức được 02 cuộc họp xây dựng cơ chế vận hành Quỹ xoay vòng; thành lập 2 Quỹ xoay vòng ở Nga My và yên Hòa, 2 BQL Quỹ và xây dựng quy chế vận hành; tập huấn cho BQL, người dân về Quỹ, kỹ thuật xây dựng phương án sản xuất, huy động được 500 triệu cho 2 Quỹ xoay vòng. Điểm nhấn của dự án qua 1 năm thực hiện là đã trồng đủ 18 ha với 45.000 cây giống 4 loài, 3 ha Trà hoa vàng, 6 ha Khôi tía tại Yên Hòa; 3 ha Ba kích tím và 9 ha Bách bộ tại Nga My, với tỷ lệ sống đạt trung bình 70%. Dự án cũng đã chủ động được một số nguồn giống và thành công trong công tác nhân giống tại 2 vườn ươm bản Xiền Líp và bản Đàng với 500 cây Ba kích tím, 200 cây Hoài sơn được xuất vườn; chuẩn bị xuất 20.000 cây cây Ba kích tím, đang huấn luyện 2.500 cây Trà hoa vàng và Khôi tía. Các kết quả của dự án được chia sẻ thường xuyên trên subweb của dự án và trên trang diễn đàn Facebook “Phát triển dược liệu Tây Nghệ An” cũng như các nhóm Zalo của BĐH dự án, nhóm chung, xã Yên Hòa, xã Nga My. Bên cạnh đó, 12 bản tin đã viết và thu, phát thanh thường xuyên tại xã và các thôn bản vùng dự án; chia sẻ các tin, bài viết; phối hợp ban truyền thông UNDP, chia sẻ với cộng đồng quốc tế đã làm cho các hoạt động dự án lan tỏa rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, được chính quyền địa phương quan tâm, cộng đồng ủng hộ thì thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn; giao thông khó khăn ở các bản vùng trong; tư tưởng ỷ lại và thói quen canh tác dựa vào tự nhiên cùng với năng lực hạn chế đang là những khó khăn mà dự án phải đối mặt trong 1 năm qua. Tổng kết những bài học kinh nghiệm, bà Đào Thị Minh Châu cho rằng, dự án cần khẩn trương, kịp thời, đôn đốc để kịp thời vụ, tránh thời tiết khắc nghiệt; linh hoạt trong các hoạt động tại hiện trường phù hợp với điều kiện thời tiết, đi lại khó khăn của người dân; thúc đẩy trách nhiệm và tâm huyết của cán bộ hiện trường, bám sát địa bàn, cầm tay chỉ việc; huy động sự ủng hộ và tham gia của UBND các cấp, các đoàn thể, hệ thống chính trị; tìm cơ hội lồng ghép các hoạt động của dự án vào các Chương trình mục tiêu quốc gia và các hoạt động của địa phương. Kết thúc báo cáo, các đề xuất/kiến nghị được gửi đến BĐH dự án như cho phép điều chỉnh một số hoạt động trồng bổ sung và mở rộng diện tích trồng dược liệu sang mùa mưa, tháng 8/ 2023; điều chỉnh kinh phí từ một số nguồn khác sang mua giống trồng bổ sung, không chỉ trồng bổ sung 20% mà nâng lên 30 - 40% số cây bị chết, tìm kiếm bổ sung các nguồn lực để phát triển và duy trì các kết quả đạt được.
Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương đánh giá rất cao những đóng góp của dự án trong 1 năm qua, cho rằng dự phù hợp với nội dung Nghị quyết Đảng bộ của Huyện, cũng như phù hợp với điều kiện khí hậu đất đai của UBND huyện; nhất là sự thay đổi bộ mặt đời sống của người dân 2 xã Yên Hòa và Nga My. Dự án đã nhận được hưởng ứng của người dân địa phương, thường xuyên cập nhật các thông tin lên mạng lưới Cây dược liệu, dự án cũng xây dựng được Quỹ quay vòng cho bà con vay vốn, dự án đã có nguồn cây giống để bán. Đối với xã Yên Hòa và Nga My cần tập trung hoàn thành các hoạt động của dự án, phối hợp với Phòng NN & PTNT tổ chức nhân rộng, phát triển các mô hình phù hợp với các Chương trình phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc miền núi, Chương trình giảm nghèo bền vững…không chỉ trong 2 xã mà còn có các xã khác như Xiềng My, Yên Tĩnh. UBND huyện mong muốn các doanh nghiệp cùng tham gia để UBND huyện tuyên truyền mở rộng phát triển dược liệu, liên kết tiêu thụ các sản phẩm của dự án, tạo chuỗi dược liệu từ phát triển, đến tiêu thụ sản phẩm. Đối với các chủ rừng, BQL Rừng phòng hộ vào cuộc cùng với BĐH, cùng với nhân dân, cùng với chính quyền để phát triển sinh kế cho nhân dân, định hướng phát triển dược liệu dưới tán rừng nhưng không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên. Đại diện cho UBND xã Yên Hòa, chủ tịch Lô Văn Thanh, đánh giá rất cao những kết quả đạt được trong năm qua tại xã Yên Hòa với sự vào cuộc, quyết liệt của chính quyền, người dân; nhưng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn; cho nên đề xuất 6 giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả dự án. Trong đó, cần phải triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách từ dự án; đề nghị tỉnh, huyện quan tâm tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng; ban hành các các cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp trong phát triển cây dược liệu; tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng, kinh nghiệm trong phát triển cây dược liệu; tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị ở địa phương. Ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga My cho rằng, các dự án phát triển dược liệu dưới tán rừng ở xã Nga My, đang đối mặt với nhiều thách thức do đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội của xã. Tuy nhiên, thông qua sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ từ các bên liên quan như BĐH, các chuyên gia và các tổ chức đoàn thể, dự án có thể vượt qua các khó khăn và đem lại lợi ích bền vững cho người dân địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế cộng đồng.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu từ thôn bản như ông Kha Hải Vân (bản Yên Tân), Ông Lương Văn Thuyết (bản Xốp Kho), Lô Văn Chành (bản Xiềng Líp) cho rằng dự án rất có ý nghĩa, mong muốn các chuyên gia hỗ trợ thêm từ việc chăm sóc cây trồng, nhân giống, cấp giống trồng dặm những cây đã chết, phân bón, máy bơm nước tưới tiêu, khô hạn; các hộ gia đình sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc diện tích cây trồng đang phát triển tốt. Đại diện cho Công ty CP dược liệu Pù Mát, ông Phan Xuân Diện đảm bảo sẽ thu mua các loài dược liệu mà công ty cần cho sản xuất như Ba kích tím; dự án muốn thành công phải đảm bảo có một đơn vị thu mua ổn định, ký nối, bao tiêu sản phẩm cho người dân mới bán được. Bà Nguyễn Thị Hà, Công ty Cổ phần Đông Nam dược miền Trung cho biết doanh nghiệp tìm vùng nguyên liệu mới, đã làm việc với UBND huyện Tương Dương, tiếp cận với vùng nguyên dược liệu huyện Tương Dương nhằm phát triển các cây dược liệu như ngải cứu, hoài sơn, giảo cổ lam, quế, mạch môn, ba kích, bách bộ…là cơ hội để Tương Dương phát triển dược liệu trong tương lai. Trong khi đó, Bà Nguyễn Thị Bình, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương, ghi nhận hiệu quả dự án sau 1 năm đưa lại, từ tổ chức cộng đồng, xây dựng vườn ươm, tổ chức trồng người dân, tạo thành hàng hóa, nhưng cần nhân rộng, đánh giá cụ thể, phát triển theo chuỗi. Ông Vi Thanh Tùng, Chủ tịch xã Yên Na, cho cần tạo đầu ra ổn định, mong muốn thấy bài toán kinh tế nó rõ ràng hơn, chú trọng bảo quản, sơ chế tránh ẩm mốc, hư hỏng, chất lượng dược liệu không cao. Đại diện cho các chủ rừng, ông Võ Minh Sơn, Khu BTTN Pù Huống cho rằng nếu người dân có ý thức hơn, giao khoán, bảo vệ rừng, đưa lại rất nhiều nguồn lợi. Trồng cây dược liệu đã làm thay đổi nhận thức của người dân, tăng cường cho công tác bảo vệ rừng, cần phải lan tỏa và nhân rộng, phát triển thành chuỗi. Đặc biệt cần chú trọng khoanh nuôi để tác động cho nó phát triển, mong chính quyền cũng cần vào cuộc quyết liệt, dần thay đổi quan điểm về quản lý bảo vệ rừng, dựa vào rừng và đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế.
Điều phối viên Quốc gia, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, cho rằng nhà tài trợ tiếp tục quan tâm, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của dự án huyện, trưởng ban Điều hành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ. Đánh giá 1 năm thực hiện, bà cho rằng dự án rất là khó, trồng cây dược liệu dưới tán rừng do chính cộng đồng chăm sóc và trồng, thiết lập chia sẻ lợi ích dưới tán rừng, sử dụng hiệu quả, phát huy giá trị của hệ sinh thái dưới tán rừng. Bà ghi nhận sự phấn đấu và đạt được kết quả của 6 bản, là sự học hỏi lớn, sự bề vững lâu dài. Kỳ vọng Nga My sẽ chủ động trong xây dựng kế hoạch với người dân, xin kinh phí của huyện để mở rộng mô hình, chủ động nguồn nước để đảm bảo tỷ lệ sống, mang lại hiệu quả cho người dân. Ghi nhận những đóng góp tích cực của các thành viên tham gia dự án, 4 cá nhân xuất sắc đã được BĐH dự án trao giấy khen gồm ông Lô Văn Thanh (xã Yên Hòa), ông Lô Văn Viên (xã Nga My), Ông Kha Hải Vân (bản Yên Tân, Yên Hòa) và ông Lữ Văn Uôn (bản Na Kho, Nga My).
Thay mặt cho BTC, bà Đào Thị Minh Châu cảm ơn sự hiện diện và đóng góp ý kiến thảo luận của các Đại biểu từ các cơ quan, tổ chức Trung ương đến địa phương. Các ý kiến sẽ góp phần cho BĐH dự án điều chỉnh các hoạt động phù hợp với điều kiện của địa phương, mong muốn UBND các xã, các chủ rừng, các doanh nghiệp chung tay để những mầm xanh dược liệu tiếp tục vươn lwn trên mảnh đất Yên Hòa, Nga My cũng như các xã khác, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An.
HÌNH ẢNH HỘI NGHỊ SƠ KẾT
Toàn cảnh hội nghị sơ kết 1 năm dự án
Chương trình truyền hình về 1 năm thực hiện dự án được chiếu tại hội nghị
Ông Lô Khăm Kha, thành viên BĐH dự án khai mạc hội nghị
Bà Đào Thị Minh Châu, Trưởng BĐH dự án báo cáo kết quả 1 năm hoạt động
Ông Nguyễn Hữu Hiến, PCT UBND huyện Tương Dương phát biểu tại hội nghị
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên Quốc gia phát biểu
Ông Lô Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa phát biểu và đề xuất các giải pháp
Ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nga My đề xuất sự hỗ trợ của dự án
Ông Lương Văn Thuyết, bản Xốp Kho, xã Nga My phát biểu
Ông Kha Hải Vân, bản Yên Tân, xã Yên Hòa phát biểu
Ông Lô Văn Chành, BQL bản Xiêng Líp, xã Yên Hòa
Ông Phan Xuân Diện, Công ty CP Dược liệu Pù Mát trình bày tham luận
Bà Nguyễn Thị Hà, Công ty Cổ phần Đông Nam dược Miền trung
Ông Võ Minh Sơn, Giám đốc Khu BTTN Pù Huống chia sẻ về cơ chế CSLI
Dự án khen thưởng các cá nhân xuất sắc trong năm 1 dự án
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tin bài, ảnh: BĐH dự án