Bản tin về Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở trong việc giám sát các chương trình REDD+ (Giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu từ việc hạn chế mất rừng) tại Việt Nam”
Như các bạn đã biết, rừng là lá phổi xanh của trái đất, rừng ngăn lũ, chống xói mòn, giữ nguồn nước và cung cấp nhiều nguyên liệu cho con người. Rừng rất quan trọng nên nhiều năm qua, chúng ta đã nỗ lực bảo vệ, phát triển rừng. Dù vậy, rừng vẫn tiếp tục bị phá và suy thoái do chuyển đổi đất lâm nghiệp sang nông nghiệp, phát triển đường giao thông và nhà máy thủy điện, khai thác gỗ không bền vững và cháy rừng… Nguyên nhân sâu xa dẫn đến vấn đề này là quản trị rừng kém, trong đó vấn đề cốt lõi nhất là thiếu minh bạch về thông tin quản lý rừng, thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương và các tổ chức xã hội trong quá trình đó.
Vì vậy, dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” do Liên Minh Châu Âu (EU) tài trợ nhằm nâng cao năng lực và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng vào quá trình giám sát sự thay đổi rừng. Dự án triển khai từ tháng 9 năm 2020 đến tháng 8 năm 2024), do Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (SFMI) cùng Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học (CEBR) tiếp nhận và thực hiện cùng với các đối tác liên quan của 6 xã lựa chọn của hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Trong khuôn khổ của dự án, 180 người là thành viên của 18 tổ chức cộng đồng, như Nhóm tuần tra và bảo vệ rừng, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… và 1.800 người dân ở 3 xã Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái của huyện Tương Dương; 3 xã Na Ngoi, Hữu Kiệm, Tây Sơn của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An sẽ được nâng cao năng lực sử dụng công nghệ theo dõi diễn biến mất rừng (Terra-I), qua đó người dân tham gia một cách hiệu quá vào quá trình giám sát rừng của địa phương. |