Cuộc họp hàng quý về giám sát độc lập diễn biến rừng của mạng lưới FCIM lần thứ 9 được tổ chức vào tại Hội trường các Hội đoàn thể huyện Kỳ Sơn, Thị trấn Mường Xén, Nghệ An. Tham dự cuộc họp về phía chính quyền và các bên liên quan có đại diện của UBND huyện Kỳ Sơn; đại diện UBND các xã Hữu Kiệm, Tây Sơn và Na Ngoi; đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kỳ Sơn; đại diện Ban quản lý Rừng phòng hộ và Hạt kiểm lâm huyện Kỳ Sơn; đại diện các Trạm kiểm lâm địa bàn 3 xã dự án. Về phía mạng lưới FCIM có đại diện nhóm FCIM cấp huyện Kỳ Sơn (nòng cốt là Hội nông dân, Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên); đại diện các nhóm FCIM cấp xã Tây Sơn, Hữu Kiệm, Na Ngoi; đại diện 9 nhóm FCIM thôn bản và thành viên của Ban quản lý dự án.
Toàn cảnh cuộc đối thoại huyện Kỳ Sơn
Cuộc họp đã được nghe báo cáo “Giới thiệu về vai trò và các hoạt động của mạng lưới Giám sát thay đổi rừng (FCIM) huyện Kỳ Sơn”, đề xuất những giải pháp để mạng lưới FCIM hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường các hoạt động tuyên tuyền sâu rộng vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Hội nông dân thay mặt cho FCIM huyện Kỳ Sơn báo cáo “Một số kết quả giám sát thay đổi rừng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn” từ tháng 08/2023 đếm 01/2024. Theo đó, hệ thống Terra-i đã phát hiện thêm được 225 điểm cảnh báo mất rừng ở các mức độ Cao, Trung bình và Thấp có nguồn gốc Rừng tự nhiên, Rừng trồng thuộc các khu vực rừng mà các nhóm FCIM đăng ký bảo vệ. Trong đó, xã Tây Sơn có thêm 71 điểm cảnh báo, xã Hữu Kiệm có thêm 57 điểm cảnh báo và xã Na Ngoi có thêm 97 điểm cảnh báo. Bên cạnh đó, dự án cũng cập nhật Nghị định 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ các-bon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Dự án cũng phổ biến cho mạng lưới FCIM “Sổ tay hướng dẫn thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA)” nhằm cung cấp thêm thông tin và quyền lợi cho các cộng đồng tham gia bảo vệ rừng.
Cuộc họp đã nhận được các ý kiến của các đại diện chính quyền và các bên liên quan về hoạt động của mạng lưới FCIM cũng như đề xuất được một số giải pháp để mạng lưới hoạt động hiệu quả, công nhận mạng lưới FCIM trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.
Theo đánh giá của ông Thò Bá Rê, PCT UBND huyện Kỳ Sơn, mạng lưới FCIM hoạt động hiệu quả và công cụ Terra-i là đáng tin cậy. Trong thời gian qua, dự án được hệ thống các cấp chính quyền từ Huyện đến xã, các tổ chức chính trị- xã hội rất đồng thuận, rất ủng hộ. Thực tế thì dự án đã giúp cho cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cấp xã cũng như cộng đồng dân cư ở thôn bản nhận thức được vai trò của công tác giám sát, bảo vệ rừng, nguy cơ mất rừng, nhất là tại những vùng lõm, vùng sâu, xùng xa khó tiếp cận. Ông đề nghị nên mở rộng mạng lưới FCIM sang các địa bàn có diện tích rừng lớn; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền địa phương, các thành viên nhóm FCIM, công nhận mạng lưới FCIM để hợp thức hóa, có cơ sở pháp lý thực hiện trên địa bàn, nhất là dễ huy động các nguồn hỗ trợ.
Ông Chu Văn Đại, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn cho rằng các điểm cảnh báo xuất hiện trên hệ thống Terra-i, hầu hết là thuộc các khu vực nương rẫy, đã phát từ rất lâu, cây đã phục hồi hoặc mới phát lại trong thời gian gần đây. Ông Vừ Bá Rê, Phó chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho rằng, 3 bản tham gia dự án, các nhóm FCIM đã hoạt động rất tốt, phối hợp với các bản đi tuần tra rừng, chỉ rõ các điểm nương rẫy, phân công từng thành viên để giám sát hoạt động của từng bản. Trên địa bàn hiện nay có 3 chương trình giám sát rừng thực hiện song song, (1) Chương trình 230 của huyện Kỳ Sơn với tần suất 2 lần/tháng gồm các lực lượng UBND xã, Kiểm lâm địa bàn, Công an, Quân sự, các khối đoàn thể; (2) Chương trình kiểm tra rừng của BQL RPH tần suất 3 lần/tháng, do cán bộ RPH Kỳ Sơn kết hợp với các BQL thôn bản tuần tra lần lượt các diện tích rừng bảo vệ, có nguy cơ bị phá rừng; (3) Chương trình của dự án với 3 nhóm FCIM Huồi Giảng 1, Huồi Giảng 2 và Huồi Giảng 3. Trong thời gian qua, trên địa bàn, người dân đã có ý thức hơn, biết lo sợ trước sự giám sát của các nhóm FCIM.
Trao đổi với các cấp chính quyền, mạng lưới FCIM huyện Kỳ Sơn cũng mong muốn được ưu tiên tham gia các hoạt động bảo vệ rừng trong thời gian tới, nhất là các hoạt động chi trả giảm phát thải theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP. Mạng lưới FCIM mong muốn chính quyền địa phương công nhận mạng lưới, xác lập vai trò cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng huyện Kỳ Sơn. Thành viên các nhóm FCIM cấp huyện, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhóm FCIM thôn bản thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát rừng. Bà Đào Thị Minh Châu cho rằng cần bảo vệ và giám sát nhiều hướng khác nhau để bảo vệ an toàn cho rừng. Mạng lưới FCIM góp phần tăng thêm số người tham gia vào công tác giám sát rừng, tuyên truyền của dự án rất hiệu quả cần tiếp tục duy trì và nhân rộng ra các vùng cần thiết nhất để giám sát và quản lý. Về lâu dài, nguồn kinh phí cần thêm sự hỗ trợ từ nguồn dịch vụ rừng và nguồn chi trả carbon, nguồn kinh phí bổ sung để cộng đồng yên tâm bảo vệ rừng.
Kết thúc cuộc họp, các bên liên quan và mạng lưới FCIM đã thống nhất các nội dung đối thoại cấp huyện đề xuất cho BQL dự án và đối thoại cấp tỉnh. Thay mặt Ban FCIM huyện Kỳ Sơn, Ông Phan Văn Mạnh đã tổng kết các ý kiến, kiến nghị của các bên liên quan về tính chính xác của hệ thống Terra-i, mở rộng các khoảnh mới để theo dõi. Chính quyền địa phương và các bên liên quan hỗ trợ công nhận vai trò của mạng lưới FCIM ở Kỳ Sơn. Các hoạt động bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn bám sát với chiến lược của UBND huyện Kỳ Sơn, xác định công tác bảo vệ rừng, nguồn lợi từ tán rừng, giao đất giao rừng về cho cộng đồng để quản lý. Mở rộng mạng lưới FCIM trên địa bàn các xã huyện Kỳ Sơn như Bảo Thắng, Bảo Nam, Hữu Lập…, các thành viên các nhóm FCIM đang thực hiện sẽ trở thành các hạt nhân hướng dẫn, tập huấn cho các xã khác.
HÌNH ẢNH CUỘC ĐỐI THOẠI LẦN THỨ 9
Ông Nguyễn Xuân Bắc, PCT UBND xã Hữu Kiệm đánh giá hoạt động mạng lưới FCIM huyện Kỳ Sơn cũng như FCIM xã Hữu Kiệm
Ông Vừ Bá Rê, PCT UBND xã Tây Sơn đánh giá hoạt động mạng lưới FCIM huyện Kỳ Sơn cũng như FCIM xã Tây Sơn
Ông Nguyễn Bá Cường, Phòng NN và PTNT đánh giá hoạt động mạng lưới FCIM huyện Kỳ Sơn
Ông Chu Văn Đại, Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn phát biểu
Ông Nguyễn Đức Hiệp, Trạm Kiểm lâm, phụ trách Na Ngoi
Ông Vừ Bá Đồng, Đại diện nhóm FCIM xã Tây Sơn phát biểu
Ông Vừ Bá Xử, Đại diện nhóm FCIM bản Huồi Giảng 2 phát biểu
Ông Mùa Bá Lỳ, Đại diện nhóm FCIM bản Phù Quặc 1 phát biểu
Ông Hạ Giống Xênh, Đại diện nhóm FCIM bản Phù Quặc 2 phát biểu
Tin bài, ảnh: Ban FCIM huyện Kỳ Sơn, CBHT