Ngày 04 tháng 08 năm 2023, Ban Quản lý dự án thuộc Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học (CEBR) tổ chức cuộc họp Quý lần thứ tám nhằm công bố các kết quả giám sát mất rừng trong 3 tháng thực hiện dự án (từ tháng 5/2023 đến tháng 7/2023). Tham dự cuộc họp gồm có đại diện mạng lưới FCIM các cấp (cấp huyện, cấp xã và các thôn bản), Hạt kiểm lâm kiểm lâm địa bàn và chính quyền các xã triển khai dự án Tam Quang, Tam Đình và Tam Thái. Tại cuộc họp, ông Lô Văn Tiến đại diện Ban xã Tam Quang, bà Vi Thị Vân thay mặt Ban FCIM xã Tam Đình và ông Kha Dương Tuấn đại biện Ban FCIM xã Tam Thái đã trình bày một số kết quả giám sát thay đổi rừng ở vùng dự án.
Bước vào phiên thảo luận, các đại biểu tham gia cuộc họp cho rằng nhờ có dự án mà các bản đã tích cực và thường xuyên tổ chức tuần tra giám sát mất rừng. Hoạt động của mạng lưới FCIM thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của thôn bản và các xã trong quản lý bảo vệ rừng, các bản đã có khả năng tuần tra dựa trên tọa độ các điểm cảnh báo. Từ các báo cáo giám sát hàng tháng của các nhóm FCIM thôn bản trên nhóm Zalo, kiểm lâm địa bàn đã thường xuyên nắm bắt được thông tin.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng trong báo cáo của các nhóm FCIM nên bổ sung cột thông tin về trạng thái rừng trước đây và trạng thái rừng hiện nay để các thông tin được đầy đủ hơn. Trong quá trình giám sát các điểm có trên hệ thống cảnh báo, cần loại trừ những điểm trùng nhau (tái phạm) để giảm bớt công sức tuần tra giám sát... Công việc này đòi hỏi cán bộ kỹ thuật của hệ thống Terra-i phải thường xuyên cập nhật thông tin trên hệ thống. Để tăng cường công tác quản lý tài nguyên rừng và ngăn chặn kịp thời, các đại biểu cũng cho rằng phải nên kiểm tra ngay chậm nhất là 1 tuần, tuy nhiên nếu hệ thống hiện sau 1-2 tháng (như báo cáo của một số bản) mới đi kiểm tra thì quá chậm.
Đối với chính quyền địa phương 3 xã dự án, các đại biểu cho rằng dự án đã xây dựng được một mạng lưới/tổ chức trong quản lý bảo vệ rừng trong đó bao gồm quyết định thành lập, quy chế hoạt động, đây là nền tảng cho chi trả dịch vụ môi trường rừng; khi kết thúc dự, nếu hệ thống Terra-i nếu tiếp tục được cập nhật thì sẽ giúp cho địa bàn trong công tác xử lý ngăn chặn các sự vụ mất rừng.
Phát biểu kết thúc hội thảo Ông Trần Xuân Hậu- Chủ tịch Hội ND huyện Tương Dương cho rằng: Qua một thời gian thực hiện dự án, đã đến lúc cần đánh giá của mạng lưới FCIM hoạt động hiệu quả như thế nào, năng lực của mạng lưới? nếu còn yếu, còn thiếu thì cần có các giải pháp để cải thiện ngay. Để xác định các điểm mất rừng, các nhóm FCIM cần chủ động xác định được các khu vực rừng sản xuất và vùng điểm mất rừng mới để có sự ưu tiên trong quá trình giám sát.
Đánh giá chung cuộc họp, các đại biểu tham gia đều đánh giá cao các hoạt động của các nhóm FCIM đã thực hiện được trong thời gian qua. Có 3 đề xuất được các bên liên quan đặt ra để tiếp tục tăng cường tính hiệu quả và bền vững của mạng lưới FCIM: (1) Cần tiếp tục cải thiện hệ thống Terra-i và bổ sung thêm thông tin trong quá trình đi thực địa hiện trường (bổ sung nội dung hiện trạng rừng thực tế); (2) Cần tiếp tục mở rộng mạng lưới FCIM tới các thôn bản trên địa bàn 3 xã; (3) Cần đánh giá toàn diện tính hiệu quả của mạng lưới FCIM, trên cơ sở đó hoàn thiện năng lực cho các thành viên và mở rộng mạng lưới.
HÌNH ẢNH CUỘC ĐỐI THOẠI LẦN 8, TƯƠNG DƯƠNG




Tin bài, ảnh: CBHT Tương Dương