Bản tin giới thiệu về Terra-I và lợi ích của việc sử dụng Terra-I trong theo dõi sự thay đổi rừng và giám sát mất rừng”
Rừng được xem là lá phổi xanh của thế giới giúp điều hòa khí hậu, cân bằng sinh thái cho môi trường. Tuy nhiên, với tình trạng rừng ngày càng suy giảm thì thiên tai như hạn hán, lũ lụt xảy ra với tần xuất và cường độ ngày càng tăng gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Để làm giảm nguy cơ mất rừng, cần phải nâng cao hiệu quả quản trị rừng, trong đó vấn đề cốt lõi nhất là nâng cao tính minh bạch về thông tin, tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương và các tổ chức xã hội.
Tuần tra thực địa là phương pháp phổ biến hiện nay ở Việt Nam nhằm theo dõi và phát hiện sự thay đổi độ che phủ rừng, tuy nhiên đây là một phương pháp tốn nhiều thời gian và chi phí. Với diện tích rừng lớn và khó tiếp cận, việc tuần tra thực địa đòi hỏi nhân sự rất lớn và thường không được triển khai nhanh chóng, dẫn đến việc phát hiện chậm các hoạt động bất hợp pháp và cản trở điều tra kịp thời và hiệu quả.
Terra-i là một hệ thống giám sát rừng sử dụng hình ảnh vệ tinh không gian để phát hiện và cảnh báo mất rừng do hoạt động của con người trong thời gian gần nhất, được cập nhật 2 tuần một lần. Terra-i đã được sử dụng làm hệ thống cảnh báo sớm chính thức về thay đổi che phủ đất và sử dụng đất ở các quốc gia ở Nam Mỹ. Giờ đây, Terra-i đang mở rộng các tác động ở châu Á. Tại Việt Nam, Terra-i đã được sử dụng thử nghiệm tại hai huyện của Việt Nam với kết quả tích cực.
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”, chính quyền và người dân địa phương tại 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn sẽ được tập huấn sử dụng hệ thống Terra-i nhằm theo dõi và giám sát sự thay đổi rừng. Dự án sẽ không chỉ nâng cao năng lực, thúc đẩy sự tham gia, khẳng định vai trò của các tổ chức xã hội và người dân địa phương, mà còn tạo cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp công nhận vai trò của cộng đồng, tăng cường hợp tác với cộng đồng trong quản lý rừng và đưa ra biện pháp giảm mất rừng. |