Bản tin về khóa đào tạo về sử dụng công nghệ theo dõi diễn biến rừng (Terra-i) cho các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương ở 2 huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Trong nửa đầu tháng 3 năm 2021, dự án“Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” đã triển khai 2 lớp tập huấn về sử dụng công nghệ Terra-I trong theo dõi và giám sát mất rừng cho các tổ chức xã hội và cộng đồng của 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn. Khóa tập huấn đã nhận được sự quan tâm của UBND huyện Tương Dương, Kỳ Sơn và các tổ chức xã hội như Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên. Ông Thò Bá Rê (Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn) và ông Nguyễn Hữu Hiến (Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương) là 2 thành viên của Ban chỉ đạo dự án đã tham dự khai mạc và phát biểu cảm ơn dự án, khẳng định vai trò của các tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc tham gia quản lý bảo vệ rừng, sự cần thiết phải sử dụng công nghệ mới trong hỗ trợ quản lý rừng nói chung và quản lý rừng phục vụ chương trình REDD+ nói riêng.
Mỗi khóa tập tuấn đã diễn ra trong 3 ngày, các học viên đã được trực tiếp tìm hiểu và thực hành các nội dung: (1) Tìm hiểu về Phần mềm Terra-I; (2) Sử dụng và phân tích dữ liệu Terra-I; (3) Phương pháp điều tra kiểm chứng kết quả cảnh báo từ Terra-I; (4) Phương pháp lập kế hoạch điều tra thực địa và kiếm chứng cảnh báo; (5) Sử dụng phiếu thực địa, Bản đồ Terra-i và GPS; (6) Thực địa và cập nhập thông tin lên hệ thống Terra-I.
Kết quả 50 thành viên của các tổ chức xã hội của 2 huyện, 6 xã và các nhóm quản lý rừng cộng đồng đều đã hiểu và thực hành sử dụng công nghệ Terra-I trong thu thập thông tin cảnh báo, lập kế hoạch thực địa và báo cáo kết quả giám sát mất rừng lên hệ thống Terra-I. Các học viên đều rất say mê và hào hứng với việc sử công nghệ và hệ thống Terra-I. Họ cũng đã đề xuất và thảo luận về các nội dung sẽ được tập huấn trong đợt tiếp theo, thống nhất các mẫu biểu, khu vực giám sát và kế hoạch giám sát bảo vệ rừng trong thời gian tới.
Sau khi tham gia khóa tập huấn, các học viên sẽ trở thành những thành viên nòng cốt trong Mạng lưới giám sát diễn biến rừng độc lập ở bản, ở xã. Họ sẽ cùng với các thành viên khác trong cộng đồng sử dụng điện thoại thông minh, GPS mà dự án cung cấp và bản đồ Terra-I để giám sát mất rừng và xây dựng hệ thống giám sát rừng độc lập (FCIM), góp phần tăng cường hiệu quả, tính chính xác và minh bạch trong công tác quản lý bảo vệ rừng. |