XÃ TÂY SƠN
Kính mời bà con và các bản lắng nghe bản tin về các hoạt động của dự án“Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”.
Trong tháng 07 năm 2021, các Nhóm Giám sát độc lập thay đổi rừng FCIM bản Huồi Giảng 1, FCIM bản Huồi Giảng 2, FCIM bản Huồi Giảng 3 đã cử các thành viên nòng cốt (Trưởng nhóm, Phó nhóm, Kế toán hoặc Thủ quỹ) tham gia lớp tập huấn “Sử dụng Terra-i trong theo dõi diễn biến rừng gần thời gian thực tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An” để nâng cao năng lực giám sát và bảo vệ rừng bằng công nghệ Terra-i.
Trong 3 ngày, 9 học viên thuộc nhóm FCIM các bản đã được các giảng viên hướng dẫn và thực hành các nội dung về sử dụng công nghệ Terra-I, bao gồm: (1) Tìm hiểu về Phần mềm Terra-i; (2) Sử dụng và phân tích dữ liệu Terra-i; (3) Phương pháp điều tra kiểm chứng kết quả cảnh báo từ Terra-i; (4) Phương pháp lập kế hoạch điều tra thực địa và kiếm chứng cảnh báo; (5) Sử dụng phiếu thực địa, bản đồ Terra-i và GPS; (6) Thực địa và cập nhập thông tin lên hệ thống Terra-i. Kết quả cả 9 học viên của xã Tây Sơn (gồm 7 nam, 2 nữ) đã hiểu và biết cách sử dụng công nghệ Terra-i để thu thập thông tin cảnh báo, lập kế hoạch thực địa và báo cáo kết quả giám sát mất rừng lên hệ thống Terra-I.
Sau khóa tập huấn, cũng trong tháng 07/2021, các nhóm FCIM đã xây dựng kế hoạch, thực địa hiện trường để xác nhận điểm mất rừng có số thứ tự (ID) là 29838, 29841, 6153 thuộc tiểu khu 460, khoảnh 11. Kết quả thực địa cho thấy, các điểm cảnh báo mất rừng là chính xác, điểm 29838 là rừng gỗ tự nhiên, bị mất rừng do lũ quét năm 2017; điểm 29841 là rừng hỗn giao tre nứa, hiện là nương rẫy sản xuất của người dân; điểm 6153 là rừng gỗ tự nhiên, đang trong hiện trạng phục hồi.
Trong thời gian tới, các nhóm FICM sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động kiểm tra hiện trường thường xuyên để xác nhận các cảnh báo mất rừng; báo cáo kịp thời cho Ban quản lý dự án, chính quyền địa phương (UBND xã) và các bên liên quan nhằm tìm ra các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc mất rừng. Điều này góp phần tăng cường hiệu quả, tính chính xác và minh bạch trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn.
Cảm ơn bà con đã lắng nghe bản tin ngày hôm nay, hẹn gặp lại bà con ở bản tin tiếp theo.
XÃ HỮU KIỆM
Kính mời bà con và các bản lắng nghe bản tin về các hoạt động của dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”.
Trong tháng 07 năm 2021, 10 thành viên nòng cốt của các nhóm FCIM bản Na Lượng 1, bản Na Chảo, bản Khe Tỳ (Trưởng nhóm, Phó nhóm, Kế toán) đã được tham gia tập huấn “Sử dụng Terra-i trong theo dõi diễn biến rừng gần thời gian thực tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An” do Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (SFMI) và Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học (CEBR) tổ chức.
Trong 3 ngày tập huấn, 10 thành viên các nhóm FCIM đã được các giảng viên hướng dẫn và thực hành sử dụng công nghệ Terra-I để theo dõi diễn biến rừng, bao gồm: Tìm hiểu về hệ thống Terra-i; Truy cập và tra cứu các điểm mất rừng trên hệ thống Terra-i; Sử dụng Google Map để tìm kiếm tọa độ và đường đi đến các điểm cảnh báo từ Terra-i; Lập kế hoạch thực địa hiện trường và sử dụng phiếu thực địa; Sử dụng thiết bị GPS để thực địa và cập nhập thông tin lên hệ thống Terra-i. Kết quả tất cả 10 thành viên của các nhóm FCIM đã thực hiện thành thạo các thao tác và hoàn thành tốt khóa học, sử dụng các kiến thức được tập huấn để hướng dẫn lại cho các thành viên khác trong nhóm FCIM.
Sau khóa tập huấn, các nhóm FCIM đã xây dựng kế hoạch, tiến hành thực địa hiện trường để xác nhận các điểm mất rừng có số thứ tự (ID) là 5780, 23912, 24294, 28692 thuộc tiểu khu 448, khoảnh 5 và 7. Kết quả thực địa cho thấy, các điểm cảnh báo mất rừng là chính xác, chủ yếu là nương rẫy sản xuất của người dân đã bỏ hoang, cây phân xanh, cây bụi phục hồi phát triển mạnh. Điểm cảnh báo 28692 là đất trống gần với khu dân cư; điểm cảnh báo 23912 là khu vực rừng khoang nuôi bảo vệ bản Na Lượng 1; điểm cảnh báo 5780 và 24294 là khu vực sản xuất nương rẫy, có cây tái sinh sau khi sản xuất nương rẫy, đang trong hiện trạng phục hồi.
Trong thời gian tới, các nhóm giám sát thay đổi rừng bản Na Lượng 1, Na Chảo, Khe Tỳ sẽ tiếp tục các hoạt động kiểm tra trên địa bàn nhằm thông tin chính xác về tình trạng mất rừng, gửi báo cáo đến UBND xã, các ban ngành liên quan để xử lý kịp thời, hạn chế tối đa việc mất rừng.
Cảm ơn bà con đã lắng nghe bản tin ngày hôm nay, hẹn gặp lại bà con ở bản tin tiếp theo.
XÃ NA NGOI
Kính mời bà con và các bản lắng nghe bản tin về các hoạt động của dự án“Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” .
Trong tháng 07 năm 2021, Nhóm FCIM các bản Phù Quặc 1, bản Phù Quặc 2, bản Phù Quặc 3 được tham gia khóa tập huấn “Sử dụng Terra-i trong theo dõi diễn biến rừng gần thời gian thực tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An”; và tiếp tục tiến hành các hoạt động thực địa, xác nhận hiện trường các điểm cảnh báo mất rừng trên hệ thống Terra-i.
Trong đợt tập huấn, các thành viên là Trưởng nhóm, Phó nhóm, Kế toán đã được các giảng viên hướng dẫn cách sử dụng hệ thống Terra-I để tra cứu thông tin các điểm mất rừng; cách sử dụng máy GPS và điện thoại thông minh để tìm đường, lấy tọa độ các điểm mất rừng. Từ đó, 9 thành viên nhóm FCIM của các bản (7 nam, 2 nữ và 100% là dân tộc Mông) đã tiếp thu được các bước lập kế hoạch thực địa, đi thực địa hiện trường, chụp ảnh hiện trường và báo cáo lên hệ thống Terra-i.
Từ những kết quả được tập huấn, nhóm FCIM các bản đã xây dựng kế hoạch và đi thực địa hiện trường để xác nhận các điểm mất rừng có số thứ tự (ID) lần lượt là 6419, 6405 thuộc các tiểu khu 466, khoảnh 10 và 11. Kết quả thực địa cho thấy các điểm mất rừng đều là nương rẫy sản xuất của người dân, phát dọn thực bì. Những kết quả này đã được báo cáo về FCIM xã Na Ngoi, tổng hợp, báo cáo lên hệ thống Terra-i và thông tin tới người dân các bản Phù Quặc 1, Phù Quặc 2 và Phù Quặc 3.
Trong thời gian tới, các nhóm FCIM cơ sở Phù Quặc 1, Phù Quặc 2, Phù Quặc 3 sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động kiểm tra hiện trường nhằm thông tin chính xác về tình trạng mất rừng, gửi báo cáo đến nhóm FCIM cấp xã để có biện pháp can thiệp hạn chế tối đa việc mất rừng.
Cảm ơn bà con đã lắng nghe bản tin ngày hôm nay, hẹn gặp lại bà con ở bản tin tiếp theo.