XÃ TÂY SƠN
Kính mời bà con và các bản lắng nghe bản tin về các hoạt động của dự án“Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”.
Ở xã Tây Sơn, dự án bắt đầu thực hiện từ ngày 01 tháng 09 năm 2021 cho đến nay đã được 1 năm hoạt động và đã hình thành được một mạng lưới FCIM từ cấp xã xuống cấp thôn bản với 35 thành viên. Để đáp ứng yêu cầu các hoạt động của dự án, 16 thành viên trong nhóm FCIM các cấp đã được tập huấn nâng cao năng lực sử dụng công cụ Terra-I, thiết bị GPS và điện thoại thông minh để theo dõi, giám sát các điểm mất rừng trên địa bàn xã Tây Sơn. Đặc biệt, trong 1 năm qua, 3 nhóm FCIM bản Huồi Giảng 1, bản Huồi Giảng 2 và bản Huồi Giảng 3 sau khi được thành lập, đã tích cực hoạt động, áp dụng những kiến thức đã được tập huấn, tiến hành được tổng cộng 24 đợt thực địa hiện trường, xác nhận mất rừng và báo cáo trên hệ thống Terra-i. Đây là những kết quả rất quan trọng, là cơ sở cho các cuộc đối thoại cấp huyện với chính quyền và các bên liên quan, góp phần ý nghĩa vào công tác quản lý, bảo vệ rừng của xã Tây Sơn. Với những sự nỗ lực đó, nhóm FCIM bản Huồi Giảng 1 đã được chọn là 1 trong 3 bản của xã Tây Sơn để nhận khoản tài trợ nhỏ, nhằm hỗ trợ cho các hoạt động hiện trường của các thành viên trong nhóm FCIM, cũng như động viên tinh thần cố gắng của các nhóm FCIM ở bản khác.
Trong tháng 09/2021, các nhóm FCIM thôn bản đã phối hợp với FCIM cấp xã xây dựng kế hoạch, thực địa hiện trường và xác nhận được 5 điểm mất rừng theo cảnh báo của hệ thống Terra-i, có số thứ tự là 7005, 7006, 7008, 7009, 5987, thuộc tiểu khu 460. Kết quả thực địa cho thấy, các điểm cảnh báo mất rừng là chính xác, trong đó điểm cảnh báo 7005 là rừng hỗn giao, bị mất rừng do lũ quét năm 2017; điểm cảnh báo 7006 là nương rẫy sản xuất của người dân; điểm cảnh báo 7008 cũng là nương rẫy hiện người dân đang trồng cỏ voi với diện tích khoảng 800m2. Các kết quả này đã được nhóm FCIM thôn bản gửi cho nhóm FCIM cấp xã và các bên liên quan, đồng thời báo cáo lên hệ thống Terra-i.
Trong thời gian tới, các nhóm FICM thôn bản tiếp tục tiến hành các hoạt động kiểm tra hiện trường thường xuyên để xác nhận các cảnh báo mất rừng; báo cáo kịp thời cho Ban quản lý dự án, chính quyền địa phương (UBND xã) và các bên liên quan nhằm tìm ra các giải pháp thích hợp ngăn chặn việc mất rừng. Điều này góp phần tăng cường hiệu quả, tính chính xác và minh bạch trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn.
Cảm ơn bà con đã lắng nghe bản tin ngày hôm nay, hẹn gặp lại bà con ở bản tin tiếp theo.
XÃ HỮU KIỆM
Kính mời bà con và các bản lắng nghe bản tin về các hoạt động của dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”.
Tính đến thời điểm hiện nay mạng lưới FCIM của xã Hữu kiệm đã hình thành và đi vào hoạt động được 1 năm với 35 thành viên có năng lực và nhiệt tình ở các bản Na Lượng 1, Na Chảo và Khe Tỳ. Trong 1 năm qua, các nhóm FCIM thôn bản cùng các thành viên nhóm FCIM cấp xã đã được tham gia 02 đợt tập huấn về sử dụng Terra-i trong theo dõi thay đổi rừng. Sau các đợt tập huấn này, năng lực của các thành viên được nâng lên rõ rệt, các nhóm đã biết tra cứu thông tin từ hệ thống Terra-i, lập kế hoạch, phân công các thành viên đi thực địa, sử dụng GPS để ghi nhận thông tin, điện thoại thông minh để tìm đường và chụp ảnh minh chứng. Kết quả là, các nhóm FCIM thôn bản phối hợp với FCIM xã thực hiện được 11 đợt thực địa hiện trường, ghi nhận được nhiều điểm mất rừng, bổ sung nhiều thông tin cho hệ thống cảnh báo để hiệu chỉnh, làm cơ sở cho các cuộc đối thoại cấp huyện. Các bản cũng đã xây dựng các đề xuất để nhận các khoản tài trợ nhỏ phục vụ cho hoạt động hiện trường và bản Na Lượng 1 được chọn là tiêu biểu, được dự án hỗ trợ ngay trong năm thứ nhất, để động viên tinh thần, đảm bảo cho hoạt động hiện trường được tổ chức tốt hơn và là động lực cho các bản khác tiếp tục cố gắng trong thời gian tới.
Trong tháng 09/2021, các nhóm FCIM bản Na Lượng 1, Na Chảo, Khe Tỳ đã xây dựng kế hoạch, tiến hành thực địa hiện trường và xác nhận được 03 điểm mất rừng có số thứ tự là 34224 và 20557 (thuộc tiểu khu 449), 23912 và 28692 (thuộc tiểu khu 448). Kết quả thực địa cho thấy, các điểm cảnh báo mất rừng là chính xác, điểm cảnh báo 34224 là rừng hỗn giao tre nứa-gỗ tự nhiên núi đất, bị mất rừng do người dân sản xuất nương rẫy bản Na Lượng 1; điểm cảnh báo 23912 cũng là rừng tự nhiên, thuộc rừng khoanh nuôi, bảo vệ, về hướng Bắc, và hướng Tây rừng bị suy thoái; một số cây bụi và cây phân xanh mọc, phát triển trên nương rẫy bỏ hoang của người dân.
Trong thời gian tới, các nhóm FCIM bản Na Lượng 1, Na Chảo, Khe Tỳ sẽ tiếp tục các hoạt động kiểm tra trên địa bàn nhằm thông tin chính xác về tình trạng mất rừng, gửi báo cáo đến UBND xã và các nên liên quan để xử lý kịp thời, hạn chế tối đa việc mất rừng trên địa bàn xã Hữu Kiệm.
Cảm ơn bà con đã lắng nghe bản tin ngày hôm nay, hẹn gặp lại bà con ở bản tin tiếp theo.
XÃ NA NGOI
Kính mời bà con và các bản lắng nghe bản tin về các hoạt động của dự án“Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” .
Trên địa bàn xã Na Ngoi, dự án đã thực hiện được 1 năm ở các bản Phù Quặc 1, Phù Quặc 2 và Phù Quặc 3. Kể từ thời điểm thành lập tháng 03/2021, các nhóm FCIM thôn bản với 30 thành viên tự nguyện, nhiệt tình và có năng lực đã tích cực tham gia các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực sử dụng Terra-i, sử dụng GPS và điện thoại thông minh để tìm đường, chụp ảnh và báo cáo kết quả các đợt thực địa lên hệ thống Terra-i. Mặc dù, với địa hình khó khăn, phức tạp; chưa giao đất, giao rừng, lẫn giữa rừng bảo vệ và rừng sản xuất; năng lực còn hạn chế, nhưng các thành viên thôn bản đã rất cố gắng, thực hiện được 09 đợt thực địa xác nhận mất rừng theo cảnh báo trên hệ thống Terra-i. Hầu hết các điểm mất rừng được cảnh báo là nương rẫy đang sản xuất của người dân bỏ hoang hoặc mới phát lại thực bì để trồng vụ mới hoặc là khu vực chăn thả gia súc, gây suy thoái, giảm độ che phủ. Các điểm cảnh báo mất rừng đã được các nhóm báo cáo với chính quyền cấp xã để phối hợp với kiểm lâm địa bàn kiểm tra, có biện pháp xử lý, giảm mất rừng. Đồng thời, các kết quả thực địa cũng được dùng để xây dựng 12 bản tin tuyên truyền hàng tháng, để phát cho hơn 685 người dân trong các bản tham gia dự án để nâng cao nhận thức cho người dân, giúp người dân hiểu về dự án và có sự ủng hộ cho hoạt động của các nhóm FCIM.
Nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ dự án, các nhóm FCIM đã tiếp tục thực hiện các hoạt động thực địa hiện trường theo kế hoạch tháng 09/2021. Các điểm mất rừng được xác nhận là 6457, 7046 và 7047 đều là nương rẫy sản xuất của người dân, hiện đang trồng lúa. Điểm cảnh báo 7045 là nương rẫy sản xuất của người dân, hiện đang bỏ hoang, cây bụi tái sinh, một phần trồng cỏ Voi phục vụ chăn nuôi. Kết quả thực địa đã được báo cáo lên hệ thống Terra-I và chính quyền xã để nắm bắt thông tin.
Trong thời gian tới, các nhóm FCIM cơ sở Phù Quặc 1, Phù Quặc 2, Phù Quặc 3 sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động kiểm tra hiện trường nhằm thông tin chính xác về tình trạng mất rừng, gửi báo cáo đến nhóm FCIM cấp xã để có biện pháp can thiệp hạn chế tối đa việc mất rừng.
Cảm ơn bà con đã lắng nghe bản tin ngày hôm nay, hẹn gặp lại bà con ở bản tin tiếp theo.