XÃ TÂY SƠN - XÃ HỮU KIỆM - XÃ NA NGOI
Kính mời bà con và các bạn lắng nghe bản tin về các hoạt động của dự án“Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam”.
Trong tháng 12 năm 2021, dự án đã thực hiện nhiều hoạt động quan trọng tại hiện trường huyện Kỳ Sơn và tỉnh Nghệ An. Với sự nỗ lực của các nhóm FCIM thôn bản, những kết quả thu được trong hoạt động thực địa hiện trường theo cảnh báo của hệ thống Terra-i đã được đem ra thảo luận tại “Cuộc họp hàng quý về giám sát độc lập diễn biến rừng của mạng lưới FCIM”. Cuộc họp đã có 11 ý kiến phát biểu, trao đổi, góp ý cho hoạt động của các nhóm FCIM; và đề xuất cơ chế phối hợp với chương trình 230 của huyện Kỳ Sơn để tăng hiệu quả, nâng cao năng lực cho thành viên các nhóm FCIM thôn bản.
Những kết quả của hoạt động hiện trường cùng các cuộc đối thoại cấp huyện Kỳ Sơn đã được trao đổi cởi mở tại “Chương trình đối thoại thường niên về giám sát độc lập thay đổi rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An” lần thứ nhất năm 2021. Các đại biểu tham dự đã thảo luận 5 chủ đề và khẳng định mạng lưới FCIM đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; thông tin giám sát của các nhóm FCIM trong thời gian qua là trung thực từ số liệu, nguyên nhân đến hình ảnh, là một kênh tham khảo có giá trị cho chương trình REDD+. Mạng lưới FCIM cần được hỗ trợ từ các cấp chính quyền để hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, phù hợp hơn với công tác quản lý, bảo vệ rừng thông qua phối hợp với các chương trình của địa phươn, tận dụng nguồn lực của dự án khác.
Đặc biệt, để các cấp chính quyền hiểu được những lợi ích mà hệ thống Terra-i mang lại cho công tác quản lý và bảo vệ rừng của địa phương cũng như chương trình REDD+, Ban quản lý dự án tổ chức khoá Hội thảo trong 01 ngày về hệ thống Terra-i cho các cấp chính quyền nhằm giới thiệu mục đích, nguyên lý hoạt động, cách truy cập thông tin thay đổi rừng trên hệ thống và vai trò của Terra-i trong giám sát độc lập thay đổi rừng. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các cấp chính quyền nhằm cải tiến hệ thống Terra-i hoạt động hiệu quả, chính xác, dễ tiếp cận và thuận tiện hơn cho người sử dụng, đáp yêu cầu thực tiễn của địa phương.
Trong thời gian tới, các nhóm FICM thôn bản tiếp tục tiến hành các hoạt động kiểm tra hiện trường thường xuyên để xác nhận các cảnh báo mất rừng; báo cáo kịp thời cho Ban quản lý dự án, chính quyền địa phương (UBND xã) và các bên liên quan nhằm tìm ra các giải pháp thích hợp ngăn chặn việc mất rừng. Điều này góp phần tăng cường hiệu quả, tính chính xác và minh bạch trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở huyện Kỳ Sơn.
Cảm ơn bà con đã lắng nghe bản tin ngày hôm nay, hẹn gặp lại bà con ở bản tin tiếp theo.