Ngày 04 tháng 01 năm 2023, Ban Quản lý dự án thuộc Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học (CEBR) tổ chức cuộc họp Quý lần thứ sáu nhằm công bố các kết quả giám sát mất rừng trong 4 tháng đầu năm thứ 3 thực hiện dự án (từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2022). Tham dự cuộc họp gồm có đại diện mạng lưới FCIM các cấp (cấp huyện, cấp xã và các thôn bản), Hạt kiểm lâm kiểm lâm địa bàn, chính quyền UBND huyện Tương Dương và chính quyền các xã triển khai dự án Tam Quang, Tam Đình và Tam Thái.
Tại cuộc họp, ông Lô Văn Tiến đại diện ban xã Tam Quang cho biết từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2022, các nhóm FCIM thôn bản Bản Xa, Tân Hương, Tùng Hương đã kiểm tra tại hiện trường về sự thay đổi, diễn biến rừng của qua13 đợt tuần tra. Trạng thái rừng và sự thay đổi rừng chủ yếu là rừng tự trồng của nhân dân đã đến tuổi khai thác, sau khi khai thác xong nhân dân tiếp tục dọn thực bì và trồng mới.
Ông Lô Văn Tiến trình bày một số kết quả giám sát thay
đổi rừng ở vùng dự án thuộc địa bàn xã Tam Quang
Thay mặt Ban FCIM xã Tam Đình, bà Vi Thị Vân đã trình bày một số kết quả giám sát thay đổi rừng ở vùng dự án thuộc địa bàn xã Tam Đình trong trong năm thứ 3 dự án. Bà Vân cho biết từ tháng 9 đến tháng 12/2022, 3 tổ FCIM bản Quang Yên, Quang Thịnh, Quang Phúc đã đi kiểm tra thực tế được 12 đợt. Thực tế cho thấy khu vực thường diễn ra mất rừng là rừng được chia cho các hộ tự quản lý bảo vệ thuộc rừng sản xuất.
Trong phần trình bày về một số kết quả giám sát thay đổi rừng ở vùng dự án thuộc địa bàn xã Tam Thái, bà Vi Thị Hiệp cho biết trong 4 tháng đầu năm của dự án, các nhóm FCIM của 3 bản Tân Hợp, Cây Me, Cánh Tráp đã kiểm tra thực tế được 12 đợt, 14 điểm được kiểm tra, có 10 điểm phát hiện mất rừng, có 4 điểm không phát hiện mất rừng. Khu vực thường diễn ra mất rừng là rừng được chia cho các hộ tự quản lý bảo vệ thuộc rừng sản xuất.
Bà Đào Thị Minh Châu chủ trì cuộc họp
Bước vào phiên thảo luận, bà Đào Thị Minh Châu cho biết: “Thực tế hiện nay chưa có sinh kế nào mang lại nhiều giá trị thu nhập cho người dân trên đất lâm nghiệp .. Tuy nhiên, trong tương lai nếu đất rừng còn giá trị thì sẽ còn nhiều phương pháp để phát triển với các mô hình nông – lâm kết hợp. Vì vậy, việc bảo vệ rừng là rất quan trọng. Dự án này góp phần quản lý bảo vệ rừng tốt hơn dưới sự tham gia của cộng đồng địa phương. Giá trị của rừng sẽ tăng lên và cộng đồng trong tương lai sẽ được chi trả nhiều hơn..”
Trong phiên thảo luận, các ý kiến đến từ chính quyền và kiểm lâm địa phương đánh giá cao các hoạt động của các nhóm FCIM. Ông Đào Xuân Dương – Kiểm lâm địa bàn Tam Thái cho biết kết quả giám sát này rất đáng ghi nhận bởi vì theo dõi diễn biến rừng cũng như phát hiện biến động rừng hiện nay rất quan trọng đối với huyện Tương Dương nói riêng và toàn tỉnh Nghệ An nói chung. Nếu dự án được nhân rộng thì đây sẽ là kênh thông tin, số liệu để bên kiểm lâm sẽ có sự sát sao hơn với diễn biến rừng, kết quả kiểm kê và kết quả hiện trạng rừng thực tế.
Ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Tương Dương cho rằng dự án có thể triển khai mở rộng, đảm bảo tính bền vững thông qua các chương trình thực hiện tại địa phương cụ thể như như Đề án thực hiện chỉ thị 13 của Ban bí thư Trung ương Đảng trong đó có lồng ghép hoạt động quản lý bảo vệ rừng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển đồng bào dân tộc thiểu số liên quan đến giao khoán bảo vệ rừng…
Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng NN & PTNT huyện TD phát biểu ý kiến
Đại diện chính quyền UBND xã Tam Quang, ông Lô Văn Lý cho rằng dự án cần tăng cường phối hợp với Đảng ủy để tăng cường sự tham gia, góp ý, chỉ đạo về mặt đường lối; hệ thống cảnh báo nên có sự điều chỉnh phân loại rừng để sát với thực tiễn hơn.
Ông Lô Văn Lý - Bí thư Đảng ủy xã Tam Đình phát biểu ý kiến
Đánh giá chung cuộc họp, các đại biểu tham gia đều đánh giá cao các hoạt động của các nhóm FCIM đã thực hiện được trong thời gian qua. Các bên cũng thống nhất cần tiếp tục trao đổi thường xuyên hơn giữa các nhóm FCIM và chính quyền, để kịp thời có thông tin và phối hợp xử lý. Có 5 đề xuất được các bên liên quan đặt ra để tăng cường tính hiệu quả và bền vững của mạng lưới FCIM: (1) Cần tiếp tục cải thiện hệ thống Terra-i và bổ sung thêm thông tin trong quá trình đi thực địa hiện trường (bổ sung nội dung hiện trạng rừng thực tế; (2) Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và BQL dự án; chia sẻ kết quả của dự án đến chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn; (3) Tăng cường hoạt động của mạng lưới FCIM từ cấp huyện đến thôn bản; (4) Cần tiếp tục mở rộng mạng lưới FCIM tới các thôn bản trên địa bàn 3 xã; (5) Cần tăng cường tuyên truyền tới các thôn bản trên toàn xã thông qua các tổ chức đoàn thể, mạng xã hội…
Tin, bài: CBHT