La Văn Ỏn - một chàng trai trẻ người dân tộc Thái thừa nhận mình là đứa con của mẹ rừng và đang dành tất cả tâm huyết của mình cho mục đích bảo vệ những cánh rừng.
TRẢ NỢ RỪNG XANH
Bước chân thoăn thoắt của anh từ lối mòn ở cửa rừng ra đã khiến chúng tôi có ấn tượng với chàng trai trẻ ngay từ lần đầu gặp gỡ. Hẳn phải là người có sức khỏe và thông thạo đường đi, lối tắt, anh mới có thể nhanh chóng trở về gặp chúng tôi như vậy được. Hơn 1 tiếng đồng hồ trước, khi liên lạc với La Văn Ỏn để đặt vấn đề về cuộc gặp gỡ này, anh cho biết còn ở trong khu rừng, cách nhà chừng 5km. Vậy mà giờ này chúng tôi đã gặp được anh.
Nụ cười hiền hòa của Ỏn dường như xua tan những mệt mỏi của chặng hành trình đẫm mồ hôi. Trên bộ trang phục đi rừng ướt sũng của anh, ngoài chiếc dao đeo ngang hông, còn có những vòng sắt, dây nhợ buộc túm vào nhau khiến chúng tôi không khỏi tò mò.
- À, đây là những chiếc bẫy thú tự chế, em vừa gỡ về. Một công đôi việc anh chị ạ, vừa tuần tra, bảo vệ rừng, vừa gỡ bẫy luôn; tuyên truyền nhiều rồi những vẫn chưa hết được nạn săn thú, phải dùng biện pháp mạnh này thôi. Đó cũng là cách em “trả nợ rừng xanh”.
Câu chuyện trên đường về nhà mà Ỏn kể cho chúng tôi nghe đã khiến chúng tôi hiểu vì sao anh vừa dùng cụm từ “trả nợ rừng xanh”.
Sinh ra và lớn lên ở bản Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, như bao đứa trẻ nơi đây, lên 7 tuổi, La Văn Ỏn đã biết cầm dao, bắn nỏ. Những tháng ngày thơ ấu, rừng chính là nơi anh “trổ tài”, với khả năng săn bắt thú có tiếng cả vùng. Cho đến một ngày, đó là khi Ỏn đã tròn 15 tuổi. Một lần vào rừng để kiểm tra bẫy thú, từ khá xa, La Văn Ỏn phát hiện một con khỉ con đã dính bẫy của mình, bên cạnh là mẹ của nó, đang loay hoay tìm cách gỡ bẫy cho con, mẹ con khỉ hú hét một cách thảm thiết. Một mũi tên trúng 2 đích đây rồi, Ỏn nhẹ nhàng giương nỏ… Mũi tên phóng ra, găm thẳng vào chân chú khỉ mẹ. Hoảng hốt, nó lê lết bỏ chạy vào rừng cây rậm rạp. Tìm kiếm mãi không thấy, Ỏn đành gỡ bẫy và đặt chú khỉ con vào gùi, quay trở về với hi vọng sẽ nuôi sống nó và bán lấy tiền. Trên hành trình trở về, tiếng kêu cứu của chú khỉ con đã dẫn theo mẹ nó, lúc này, chân sau đầm đìa máu, vẫn lết theo bóng dáng thấp thoáng của “kẻ thù”, vừa lấy mất con của mình. Cơ hội đến với Ỏn lần thứ 2, lần này, mũi tên găm đúng ngực khỉ mẹ. Nó chỉ kịp giãy giụa một lúc rồi nằm bất động giữa đất. Vui mừng, Ỏn nhặt xác khỉ mẹ, cho vào gùi. Trở về đến nhà sau một cuộc đi săn may mắn, La Văn Ỏn hạ gùi. Đập vào mắt anh là hình ảnh con khỉ mẹ đã vĩnh viễn xa con của nó, nhưng trước khi nhắm mắt, đôi bàn tay vẫn ôm chặt con mình, 2 mắt dù đã nhắm, vẫn ướt sũng những giọt lệ.
- Đó là một nỗi ám ảnh đối với em mà cho đến bây giờ, khi kể lại, em vẫn thấy quay cuồng đầu óc. Giờ em xin phép không kể nữa. Em cũng đã cứu sống chú khỉ con, thả nó về rừng sau đó, và “gác kiếm”, không bao giờ đi săn thú nữa.
Đây cũng chính là lý do mà kể từ thời điểm ấy, La Văn Ỏn quay ngoắt những hành động của mình. Từ một thợ săn thiện xạ, anh trở thành người giải cứu thú rừng, tích cực vận động thanh thiếu niên trong bản rời xa với cung nỏ, dao bẫy. Tuy nhiên, không dễ để anh thuyết phục được những người vốn xem rừng là cuộc sống của họ. Và anh đã lặng lẽ, một mình làm cái công việc mà anh xem là “trả nợ rừng xanh” trong suốt thời gian sau đó.
Hết bậc học Trung học phổ thông, La Văn Ỏn thi đỗ vào trường trung cấp y, rồi tham gia nghĩa vụ quân sự tại vùng núi rừng Gia Lai. Những ngày trong quân ngũ, được tiếp xúc với đồng bào các dân tộc ít người ở vùng núi rừng Tây Nguyên, chứng kiến nhiều việc làm của họ trong phong trào bảo vệ những cánh rừng đại ngàn, Ỏn càng nuôi quyết tâm trở về quê nhà, sẽ làm lan tỏa ý nghĩa của những việc làm này.
Và cơ hội thực hiện ý nguyện của mình đã đến với La Văn Ỏn sau khi rời quân ngũ. Tích cực hoạt động trong phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ màu xanh của núi rừng, anh được đứng vào hàng ngũ của Ban chỉ huy quân sự xã, với vai trò là Phó chỉ huy trưởng. Từ đây, ngoài việc tuyên truyền bảo vệ rừng, anh có quyền thực hiện chức trách của mình theo quy định của pháp luật, được răn đe, xử lý những sai phạm liên quan đến việc khai thác trái phép tài nguyên rừng. Những chuyến tuần tra, bảo vệ rừng đã nuôi lớn kinh nghiệm, nhận thức của Ỏn về rừng và vai trò của rừng đối với con người. Và để làm cho bà con hiểu, vì sao người ta vẫn gọi “Rừng là vàng”, anh cùng gia đình tham gia dự án trồng cây mét, nỗ lực tạo sinh kế từ rừng. Giá trị kinh tế mà gia đình anh thu được từ rừng mét dẫu chưa phải là nhiều, nhưng đã có tác dụng thúc đẩy phong trào làm kinh tế từ rừng tại địa phương. Tỷ lệ người dân khai thác rừng trái phép đã giảm dần từ sự góp sức của chàng trai trẻ người dân tộc Thái.
Xem mình là một phần của rừng, như những cá thể sống giữa rừng, La Văn Ỏn tiếp tục bén duyên với đại ngàn vào năm 2021. Đó là khi dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở trong việc giám sát các chương trình REDD+ tại Việt Nam” được triển khai tại quê anh. Vốn là người sáng dạ, khi đăng ký tham gia thực hiện dự án và được tập huấn sử dụng công nghệ trong giám sát sự thay đổi của rừng, Ỏn tiếp thu một cách nhanh chóng.
La Văn Ỏn hướng dẫn cho các thành viên nhóm FCIM bản Na Lượng 1 giám sát rừng
Từ khi dự án giám sát, bảo vệ rừng được triển khai, chỉ 1 thân cây trên rừng bị đốn hạ, gãy đổ, “con mắt của rừng” chính là những chiếc điện thoại thông minh, sẽ ngay lập tức phát hiện. Sự hỗ trợ của công nghệ đã giúp La Văn Ỏn và nhóm các thành viên tham gia dự án triển khai phong trào giám sát, bảo vệ rừng một cách thuận lợi và hiệu quả hơn. Mỗi tháng 2 lần, Phó trưởng nhóm FCIM La Văn Ỏn và các thành viên lại thực hiện những chuyến tuần tra, giám sát theo thông tin được báo về từ hệ thống. Qua hệ thống định vị GPS, cộng thêm kinh nghiệm đã có của bản thân, những chuyến đi rừng giờ đây đã đỡ phần vất vả. Gần 3 năm trở thành thành viên của dự án, Ỏn đã có hơn 50 chuyến tuần tra thực địa, phát hiện 3 vụ xâm hại rừng trái phép, kịp thời báo cáo với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng xử lý.
La Văn Ỏn cùng các thành viên nhóm FCIM bản Na Lượng 1 thực địa xác nhận mất rừng theo cảnh báo trên hệ thống Terra-i
Là người nắm bắt rõ việc sử dụng công nghệ viễn thám để giám sát sự thay đổi của rừng, La Văn Ỏn đã tích cực tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, hướng dẫn cho đông đảo bà con tại bản làng cách thức thực hiện. Nhờ vậy, 100% chủ rừng và phần lớn người dân đã tiếp cận được phương thức giám sát rừng bằng công nghệ viễn thám. Phong trào bảo vệ rừng ở quê anh nhờ vậy đến nay đã có những kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, không phát hiện bất kỳ vụ xâm hại rừng trái phép nào.
Giữ rừng, giữ nụ cười, giữ màu xanh cho quê hương
Với những việc làm lặng lẽ vì cộng đồng, La Văn Ỏn đã và đang hoàn thành sứ mệnh trả nợ rừng xanh, với một suy nghĩ chắc chắn: “Nếu có tâm huyết, có tình yêu với rừng, thì rừng chính là sự sống của chúng ta”.
Chuyên gia truyền thông
Ngọc Dũng.