Những tín hiệu tích cực của dự án VNM/UNDP/2021/06 tại 2 xã Nga My và Yên Hòa, huyện Tương Dương bước đầu đã được ghi nhận sau 06 tháng triển khai. Đây là dự án được tài trợ bởi Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) với mục tiêu tăng cường các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập và năng lực cho cộng đồng sống trong vùng đệm các khu đặc dụng, giảm thiểu áp lực lên rừng và bảo tồn tính đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Tây Nghệ An.
Vào một ngày cuối năm 2022, chúng tôi đã bắt gặp một nhóm người dân tộc thiểu số, chủ yếu là phụ nữ, đang làm việc rất tích cực tại vườn ươm giống cây dược liệu tại bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa (được dự án đầu tư ban đầu). Những cơn gió lạnh của đợt gió mùa đông bắc cũng không thể làm giảm đi sự hồ hởi thể hiện trên từng khuôn mặt của bà con. Tay thoăn thoắt cắt tỉa thành thạo các hom giống cây Ba kích tím (Morinda officinalis), chị Vi Thị Tươi (người dân tộc Thái sinh sống tại bản Ngọn – xã Yên Hòa) tâm sự rằng chị thật may mắn khi được cùng các chuyên gia dự án xây dựng kế hoạch bảo tồn cấp xã có lồng ghép mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào các hoạt động phát triển kinh tế xã hội địa phương, từ đó thiết kế nên dự án này ngay từ thời điểm đầu tiên. Là người thường xuyên thu hái và là đầu mối thu gom các loài cây dược liệu được khai thác từ các khu rừng tự nhiên trong xã để bán cho thương lái, chị Tươi đã chứng kiến sự suy giảm, cạn kiệt các loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Mặc dù chị và nhiều người trong bản cũng đã thử trồng một số loài cây dược liệu, nhưng không hiểu sao hầu hết chúng không sống được hoặc phát triển rất kém. Tham gia các hoạt động dự án VNM/UNDP/2021/06, chị và bà con mới biết rằng các loài cây dược liệu này phải có bóng mát của các loài cây khác trong rừng mới phát triển tốt được. Tận mắt chứng kiến thành công của các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng và ươm cây giống dược liệu tại vườn ươm, lại được cán bộ dự án tập huấn theo cách cầm tay chỉ việc, giờ đây chị Tươi và các chị, em phụ nữ khác đã rất tự tin mở rộng các mô hình phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, tăng thu nhập cho gia đình.
Là người thu gom dược liệu trong bản, chị Tươi lại có nỗi lo lớn là trồng được cây rồi thì bán cho ai? Và giờ đây chị đã an tâm khi dự án hỗ trợ xây dựng và kết nối những người như chị vào diễn đàn “Phát triển cây dược liệu Tây Nghệ An” và “Sàn giao dịch nông sản Nghệ An”. Thông tin về giá cả, nhu cầu các loài cây dược liệu từ các diễn đàn này sẽ góp phần giảm thực trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, bị thương lái ép giá trước đây... Những lo lắng của chị Tươi và bà con về nguồn vốn đầu tư để nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu cũng đã được giải tỏa khi chị biết dự án đã thành lập Quỹ xoay vòng cho bà con vay vốn dưới dạng cây giống và một phần tiền mua phân bón, hàng rào bảo vệ... để hỗ trợ nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Chị tin tưởng rằng những mô hình này của bà con càng được bền vững hơn khi rừng quanh bản được bảo vệ ngày càng tốt hơn, các loài cây dược liệu sống dưới tán rừng được bảo vệ và thu hái bền vững hơn thông qua các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, mạng lưới tuyên truyền đến tận từng người dân và những cam kết về cơ chế chia sẻ lợi ích giữa Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương và Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống với cộng đồng được triển khai thực hiện trong các xã vùng dự án.
Chị Vi Thị Tươi (ngoài cùng bên phải) cùng các phụ nữ dân tộc thiểu số của bản Ngọn đang tự tay ươm hom giống cây Ba kích (Morinda officinalis) tại vườn ươm giống cây dược liệu tại bản Xiềng Líp do dự án VNM/UNDP/2021/06 hỗ trợ
Nét mặt vui mừng, hồ hởi và sự tin tưởng của các chị Vi Thị Tươi, Lô Thị Thượng và Lô Thị Ọ (người dân tộc thiểu số ở bản Ngọn, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An) vào sự thành công mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng VNM/UNDP/2021/06 hỗ trợ.