ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU (TOR)
Tuyển dụng 01 tổ chức xã hội cấp cơ sở thực hiện đề tài:
"NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG ÁP DỤNG VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH FCIM/Terra-I VÀO CÔNG TÁC GIÁM SÁT THAY ĐỔI RỪNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH REDD+ TẠI TỈNH………"[i]
1. Bối cảnh và sự cần thiết
Năm 2017,Việt Nam đã giới thiệu Chương trình hành động quốc gia về REDD+ giai đoạn 2017-2030 (NRAP) với mục tiêu chung là góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng trồng; gắn và lồng ghép với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng, tăng trưởng xanh, thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ các-bon, nâng cao đời sống của người dân và phát triển bền vững đất nước. Bản “Tóm tắt thông tin về REDD+ của Việt Nam” tháng 1năm 2018 đã xác định một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc mất rừng, suy giảm chất lượng rừng là quản trị rừng chưa hiệu quả, thiếu minh bạch thông tin liên quan đến quá trình ra quyết định, thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương và các tổ chức xã hội. Ngày 22/10/2020, Bộ NN&PTNT và Ngân hang Tái thiết và Phát triển Quốc tế ( IBRD) đã ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ ( ER-PA)
Trong bối cảnh đó, dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội cấp cơ sở (CSOs) trong việc giám sát chương trình REDD+ tại Việt Nam” do Liên Minh Châu Âu tài trợ sẽ góp phần cải thiện công tác quản trị rừng, tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội (CSOs) với vai trò là một tác nhân hiệu quả thúc đẩy quá trình quản trị và phát triển rừng ở Việt Nam. Đồng thời, dự án cũng xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trong lĩnh vực lâm nghiệp, tăng cường sự hợp tác với các cơ quan lâm nghiệp nhà nước để giám sát các chương trình REDD+. Dự án được Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng (SFMI) cùng Trung tâm Môi trường và Tài nguyên Sinh học (CEBR) đồng tiếp nhận và thực hiện trong vòng 4 năm, bắt đầu từ ngày 01 tháng 09 năm 2020. Mục đích của dự án là góp phần xây dựng một mạng lưới giám sát độc lập sự thay đổi rừng (FCIM) và vận động các cơ quan chính phủ chính thức hóa hệ thống và áp dụng ở cấp quốc gia. Để làm được điều này, dự án sẽ xây dựng năng lực cho các tổ chức xã hội cấp cơ sở để họ có thể hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ phụ trách Chương trình giảm phát thải (ER-PA) ở các cấp khác nhau nhằm thiết kế mạng lưới FCIM. Khu vực thí điểm xây dựng mô hình giám sát độc lập thay đổi rừng được thực hiện tại 18 bản, 06 xã của 02 huyện là Kỳ Sơn và Tương Dương, thuộc tỉnh Nghệ An.
Trong năm thứ nhất (từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2021), dự án đã hình thành được 1 mạng lưới FCIM cấp cơ sở với 180 thành viên tự nguyện, tích cực thuộc các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng tại 18 thôn bản thuộc địa bàn 6 xã, gồm Tam Thái, Tam Quang và Tam Đình (huyện Tương Dương), Hữu Kiệm, Tây Sơn và Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn). Hơn 100 thành viên thuộc các nhóm FCIM cấp huyện, cấp xã và thôn bản được tham dự các khóa tập huấn sử dụng công cụ Terra-I, GPS và điện thoại thông minh để giám sát thay đổi rừng; tham dự các cuộc đối thoại với cơ quan quản lý các cấp để chia sẻ thông tin kết quả giám sát mất rừng trên địa bàn. Với sự trợ giúp của tư vấn FCIM, dự án đã hoàn thiện được cơ chế hoạt động của mạng lưới thông qua cuốn “Sổ tay Hướng dẫn xây dựng và vận hành mạng lưới giám sát độc lập thay đổi rừng (FCIM)”. Sau một năm hoạt động, năng lực và vai trò của mạng lưới FCIM từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh đã được các cấp chính quyền ghi nhận là có đóng góp ý nghĩa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trong năm thứ 2 (từ tháng 9/2021 đến tháng 8/2022), dự án tiếp tục nâng cao năng lực và nhận thức cho các bên liên quan, bao gồm các hoạt động tổ chức 02 khóa đào tạo về Terra-I cho 41 học viên, tổ chức 02 chiến dịch tuyên truyền giám sát rừng tại 06 xã, sản xuất và tuyên truyền 18 báo cáo về giám sát rừng. Dự án đã thiết lập và vận hành mạng lưới FCIM các cấp, bao gồm các hoạt động như thiết lập đầy đủ mạng lưới FCIM tại 18 thôn,bản; 06 xã và 02 huyện, hỗ trợ 18 thôn,bản lập kế hoạch và theo dõi, giám sát tài nguyên rừng, tổ chức 06 cuộc họp quý với UBND cấp xã và huyện, tổ chức 01 cuộc họp với UBND tỉnh Nghệ an. Đối với mục tiêu thiết lập diễn đàn chính sách, dự án đã tổ chức 01 đợt khảo sát, đánh giá tài nguyên rừng và cơ sở dữ liệu ban đầu dự án, tổ chức 01 nghiên cứu về quản trị rừng và FCIM, tổ chức 01 nghiên cứu về FCIM và khả năng kết nối với ER-PA, tổ chức 01 diễn đàn lâm nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ, cung cấp thông tin khuyến nghị về chính sách trên tạp chí “ Rừng và môi trường”
Ngày 28/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Trong bối cảnh trên, trong năm thứ 3 (từ tháng 9/2022 đến tháng 8/2023) bên cạnh việc duy trì các hoạt động của mô hình FCIM tại Nghệ An, dự án cần tuyển dụng một tổ chức nghiên cứu việc áp dụng và nhân rộng mô hình này tại 1 tỉnh khác trong khu vực Bắc Trung Bộ, từ đó làm cơ sở cho việc tổ chức diễn đàn lâm nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ 2 sẽ được tổ chức vào năm thứ 4 của dự án.
2. Mục tiêu của nghiên cứu
- Đánh giá các yêu cầu giám sát thay đổi rừng ( Nhà nước và độc lập) trong chương trình REDD+ của tỉnh ……..
- Phân tích khả năng áp dụng mô hình FCIM/Terra-I vào công tác giám sát thay đổi rừng tại tỉnh….
- Khuyến nghị các giải pháp để có thể áp dụng và nhân rộng mô hình FCIM/Terra-I tại địa phương
3. Nội dung nghiên cứu
3.1. Yêu cầu giám sát rừng trong chương trình REDD+ của tỉnh
- Hiện trạng rừng và cơ cấu các loại rừng trong chương trình REDD+ của tỉnh
- Yêu cầu giám sát thay đổi rừng nói chung trong chương trình REDD+
- Yêu cầu giám sát thay đổi rừng từ các cơ quan nhà nước
- Yêu cầu giám sát thay đổi rừng từ người dân, cộng đồng và xã hội
3.2. Khả năng áp dụng mô hình FCIM/Terra-I vào công tác giám sát độc lập sự thay đổi rừng tại tỉnh….
- Khả năng về kỹ thuật và công nghệ
- Khả năng về nhân lực
- Khả năng về tài chính
- Mức độ sẵn sàng thực hiện của các bên liên quan
- Thuận lợi và khó khăn khi áp dụng mô hình tại địa phương
3.3. Khuyến nghị giải pháp về chính sách
- Khuyến nghị với Bộ NN&PTNT
- Khuyến nghị với UBND tỉnh…
- Khuyến nghị với Sở NN&PTNT
4. Nhiệm vụ của tổ chức tư vấn
- Xây dựng đề cương nghiên cứu chi tiết và được thông qua
- Điều tra, khảo sát và viết báo cáo nghiên cứu
- Tổ chức 01 seminare về chủ đề trên với các bên liên quan
- Hoàn thiện báo cáo gửi Ban quản lý dự án theo các yêu cầu đề ra
- Viết báo cáo tóm tắt và trình bầy tại diễn đàn lâm nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ 2
5. Yêu cầu về sản phẩm
- 01 Đề cương nghiên cứu chi tiết được thông qua ( tiếng Việt)
- 01 báo cáo chính thức được chấp nhận (tiếng Việt)
- 01 báo cáo tóm tắt (05 trang, tiếng Việt và tiếng Anh)
- 01 báo cáo Power point được trình bầy tại diễn đàn lâm nghiệp lần 2 ( tiếng Việt và tiếng Anh)
6. Các tài liệu nghiên cứu của dự án sẽ cung cấp cho tổ chức tư vấn
- Sổ tay hướng dẫn xây dựng và vận hành mạng lưới giám sát độc lập thay đổi rừng (FCIM)
- Báo cáo đánh giá hiện trạng rừng khu vực dự án tại Nghệ An
- Báo cáo đề tài nghiên cứu” Quản trị rừng và các yếu tố tác động đến FCIM tại Nghệ An”
- Báo cáo đề tài” Nghiên cứu cơ chế vận hành và khả năng kết nối FCIM/Terra- I với hệ thống giám sát của Chương trình giảm phát thải khí nhà kính các tỉnh Bắc Trung Bộ “
- Báo cáo thực hiện dự án hàng năm
7. Thời gian và kinh phí
- Thời gian thực hiện: Từ ngày 15 tháng 03 năm 2023 đến ngày 30 tháng 06 năm 2023, cụ thể như sau:
- Kinh phí thực hiện: Được chi trả theo dự toán tại các mục của Phụ lục B Ngân sách hoạt động dự án theo hướng dẫn của UN-EU về chi phí địa phương trong hợp tác phát triển với Việt Nam phiên bản 2015 do các cơ quan LHQ tại Việt Nam, phái đoàn Liên Minh Châu Âu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam ban hành.
- Đồng tiền thanh toán: Việt Nam đồng (VNĐ).
- Hình thức thanh toán: chi trả theo định mức đã được phê duyệt
8. Yêu cầu năng lực đối với tổ chức tư vấn
- Là thành viên của mạng lưới lâm nghiệp của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam
- Có kinh nghiệm và năng lực trong nghiên cứu và tổ chức hội thảo trong lĩnh vực lâm nghiệp ít nhất từ 05 năm trở lên
- Có kinh nghiệm làm việc trong khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ
- Thực hiên đầy đủ các yêu cầu theo mẫu tuyển dụng của nhà tài trợ và được hội đồng chấp thuận
- Trình duyệt một bản đề cương nghiên cứu độc lập, nhấn mạnh cách tiếp cận và phương pháp thực hiện
- Trình bầy chi tiết kế hoạch thực hiện, chi tiết các khoản dự toán chi phí
- Đại diện tổ chức có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu về lâm nghiệp, có năng lực viết và trình bầy báo cáo bằng tiếng Việt và tiếng Anh
9. Địa điểm làm việc
Hoạt động điều tra, khảo sát và nội nghiệp tại tỉnh đã lựa chọn
10. Hình thức tuyển dụng
Tuyển dụng thông qua xét duyệt hồ sơ đối với tổ chức thoả mãn các điều kiện trên, có hồ sơ năng lực của tổ chức, có đề cương và kế hoạch hoạt động phù hợp với chuỗi hoạt động của dự án.
Thời gian nhận hồ sơ kể từ ngày đăng tuyển đến hết ngày 10 tháng 3 năm 2023
Hồ sơ gửi về: 1) Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
Địa chỉ: 114 Hoàng Quốc Việt, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội
Email: thuanthau53@gmail.com; tranthuha0302@gmail.com
[i] Các tỉnh có thể thực hiện bao gồm: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng TrỊ, Thừa Thiên Huế.
Dự án CSO-LA/2019/411-843