Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các nội dung chính của Hiệp định EVFTA gồm: Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Hải quan và thuận lợi hóa thương mại, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Phòng vệ thương mại, Cạnh tranh, Doanh nghiệp nhà nước, Mua sắm của Chính phủ, Sở hữu trí tuệ, Phát triển bền vững, Hợp tác và xây dựng năng lực, Pháp lý-thể chế. Hiệp định cũng bao gồm cách tiếp cận mới, tiến bộ hơn về bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư, đáp ứng tám Tiêu chuẩn cơ bản (công ước) của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động.
Hiệp định EVFTA được khởi động đàm phán vào năm 2012, kết thúc đàm phán kỹ thuật vào năm 2015 và được hai bên chính thức ký kết vào ngày 30/06/2019 tại Hà Nội. Hiệp định EVFTA được Hội đồng châu Âu thông qua Quyết định phê chuẩn vào ngày 30/3/2020, và được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/02/2020, là bước pháp lý cuối cùng theo thủ tục phê chuẩn nội bộ của Liên minh Châu Âu (EU) để Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định[1].
Hiệp định EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giảm thuế xuất nhập khẩu tạo lợi thế cạnh tranh, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả, cà phê, hạt điều), đồ gỗ là rất đáng kể[2]. Chính điều này đã tạo cơ hội cho tự do hoá thương mại các sản phẩm gỗ nhưng cũng đặt ra những thách thức cho Việt Nam bởi các hành vi khai thác gỗ và buôn bán gỗ bất hợp pháp khi Việt Nam là quốc gia nhập khẩu, chế biến gỗ và là nước trung chuyển hàng hoá sang các nước thứ ba. Ngoài ra, trong chương 13 của Hiệp định về Thương mại và Phát triển bền vững đã đề cập đến những cam kết trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; trong đó nhấn mạnh việc thực thi các công ước và nghị định về Biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên rừng bền vững và thương mại lâm sản[3].
Đặc biệt, ngày 06/12/2022, Nghị viện Châu Âu và Hội đồng về quy định của EU đã đạt được thỏa thuận tạm thời về chuỗi cung ứng không phá rừng để thông qua luật mới đảm bảo rằng các sản phẩm được bán ở EU không liên quan đến việc phá hủy hoặc làm suy thoái rừng (gọi là EU Deforestation Regulation - EUDR). Sau khi được thông qua và áp dụng, luật mới sẽ đảm bảo rằng một loạt hàng hóa chính được đưa vào thị trường EU sẽ không còn góp phần vào nạn phá rừng và suy thoái rừng ở EU và các nơi khác trên thế giới, giúp ngăn chặn một phần đáng kể nạn phá rừng và suy thoái rừng toàn cầu, giảm phát thải khí nhà kính và mất đa dạng sinh học. Khi các quy tắc mới có hiệu lực, tất cả các công ty có liên quan sẽ phải tiến hành thẩm định nghiêm ngặt khi nhập khẩu vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường EU, bao gồm các sản phẩm dầu cọ, gia súc, đậu nành, cà phê, ca cao, gỗ, cao su cũng như các sản phẩm khác là thịt bò, đồ nội thất hoặc sô-cô-la. Những mặt hàng này đã được chọn trên cơ sở đánh giá tác động kỹ lưỡng, xác định chúng là nguyên nhân chính dẫn đến nạn phá rừng do mở rộng nông nghiệp, góp phần giải quyết nạn phá rừng bất kể đó là hợp pháp hay bất hợp pháp; yêu cầu truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt liên kết hàng hóa với đất nông nghiệp nơi chúng được sản xuất; và một hệ thống định chuẩn quốc gia[4]. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp, người sản xuất (nông dân) sẽ phải chứng minh rằng các sản phẩm đều không phá rừng (được sản xuất trên đất không bị phá rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020) và hợp pháp (tuân thủ tất cả các luật hiện hành có liên quan có hiệu lực tại quốc gia sản xuất). Các quy tắc mới sẽ không chỉ giảm phát thải khí nhà kính và mất đa dạng sinh học mà còn giúp đảm bảo sinh kế của hàng triệu người, bao gồm cả người dân bản địa và cộng đồng địa phương trên khắp thế giới, những người phụ thuộc nhiều vào hệ sinh thái rừng. Đây là một thách thức lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, trong đó có các sản phẩm cà phê đã qua chế biến sâu, bởi Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai tại thị trường EU, chiếm 16,1% thị phần về lượng (sau Brazil với 22,2%). EU cũng là thị trường tiêu thụ cà phê nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước[5].
Đối với sản xuất và chế biến cà phê, Việt Nam là một trong những quốc gia có quy mô lớn và năng suất cao trong sản xuất cà phê trên thế giới. Diện tích và sản lượng cà phê có xu hướng tăng liên tục trong những năm gần đây. Năm 2019, diện tích trồng cà phê của cả nước là 688 nghìn ha, tổng sản lượng đạt gần 1,7 triệu tấn. Năng suất cà phê của Việt Nam đạt mức trung bình là 2,6 tấn/ha nhân đối với cà phê Robusta và 1,4 tấn nhân/ha đối với cà phê Arabica. Các vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ và các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc là 5 vùng sản xuất chính. Vùng Tây Nguyên (với 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) có tổng diện tích cà phê khoảng 639.000 ha (chiếm tỷ lệ 92% so với cả nước), năng suất 28,5 tấn/ha (cao gấp 1,1 lần so với cả nước), sản lượng khoảng 1.669.000 tấn (chiếm tỷ lệ 95% so với cả nước). Các tỉnh có sản lượng và diện tích trồng lớn nhất là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kom Tum, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Quảng Trị, Nghệ An, Sơn La, bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất cà phê hàng hóa lớn và đang tích cực chuyển hướng sang sản xuất cà phê có chứng nhận bền vững. Một số doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã liên kết được với nông dân và hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững, thân thiện với môi trường, và đạt các chứng nhận quốc tế như: 4C, Rainforest, UTZ. Năm 2019, diện tích cà phê được chứng nhận bền vững, Việt nam đứng thứ 3 thế giới (sau Brazil và Colombia). Tuy nhiên, về tổng thể thì hoạt động trồng và thâm canh cây cà phê ở nước ta vẫn chưa bền vững, các điều kiện sơ chế, bảo quản, tạm trữ cà phê còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, giá trị chuỗi sản xuất cà phê chưa cao. Năm 2019, cả nước đã có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn với tổng công suất thiết kế chế biến cà phê tiêu dùng đạt 132,5 nghìn tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, các nhà máy chế biến thường hoạt động dưới công suất thiết kế, sản phẩm cà phê chế biến và xuất khẩu cà phê chế biến vẫn tập trung ở nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Xét về chỉ số năng lực cạnh tranh (RCA), năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam chỉ ở mức trung bình so với các cường quốc cà phê trên thế giới, chủ yếu bằng giá và có giá trị thấp so với các đối thủ trên thị trường. Đây là rào cản lớn, khi EU siết chặt các quy định về nguồn gốc, xuất xứ và sản phẩm cà phê khi thực thi các quy định về chống phá rừng.
Trong khi đó, cà phê Arabica (còn gọi là cà phê chè) - dòng cà phê được ưa chuộng ở châu Âu, có mùi thơm rất đặc trưng, vị cà phê thoang thoảng, nguồn gốc từ bán đảo Arabica Peninsula (Ả Rập), được trồng nhiều nơi trên thế giới như Brazil, Colombia, Ethiopi, Ấn Độ, Mexico, Việt Nam. Ở Việt Nam, cà phê Arabica được trồng chủ yếu ở Lâm Đồng, Sơn La, Điện Biên, Đăk Lăk, Quảng Trị, Nghệ An, là nguồn cung cấp sản phẩm cà phê Arabica xuất khẩu chủ yếu cho nước ta, với sản lượng trung bình 1,4 tấn nhân/ha. Tính đến tháng 10/2022, xuất khẩu cà phê Arabica tăng 8,0% về lượng và tăng 70% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 49,75 nghìn tấn, trị giá 219,4 triệu USD[6]. Trong đó, thị trường EU vẫn là thị trường chính, nhờ đánh vào thị hiếu, tập quán thưởng thức cà phê, nhưng cũng là một thách thức đối với xuất khẩu cà phê. Người tiêu dùng châu Âu yêu cầu chất lượng cà phê rất cao với các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt để bảo vệ sức khoẻ con người (vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu về đóng gói, dán nhãn. Đây là rào cản lớn cho các tỉnh Lâm Đồng, Nghệ An trong trồng, chế biến dòng cà phê Arabica, đặc biệt là các quy định mới về chống phá rừng của EU (EUDR) đối với sản phẩm cà phê. Các sản phẩm cà phê Arabica xuất khẩu vào thị trường EU phải đảm bảo tính hợp pháp và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như thế giới (như luật đất đai, luật bảo vệ môi trường, luật lao động, nhân quyền, thuế, phí và chống tham nhũng); không gây mất rừng, suy thoái rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng; chứng minh được nguồn gốc sản phẩm, đánh giá được rủi ro và có các giải pháp giảm thiểu trong sản xuất cà phê Arabica.
Dự án này thực hiện các nghiên cứu nhằm cập nhật, xem xét tình hình triển khai Hiệp định EVFTA tại Việt Nam liên quan đến quản trị rừng; tác động của EUDR đối với các hộ sản xuất cà phê Arabica quy mô nhỏ tại các tỉnh Nghệ An và Lâm Đồng. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp thông tin cho Nhóm tư vấn trong nước (DAGs) của EVFTA từ góc độ các tổ chức xã hội, đề xuất các giải pháp thích ứng; đánh giá khả năng giải trình của các hộ sản xuất cà phê quy nhỏ và đáp ứng với các quy định trong EUDR.
[1] Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 2020.
[2] Nguyễn Đức Thành, Phạm Văn Long, Phan Nhật Quang, Đỗ Thị Lê, Báo cáo đánh giá một năm thực hiện Hiệp định EVFTA tác động đến kinh tế Việt Nam và sự thay đổi trong chính sách, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2021.
[3] Chương 13, Thương Mại và Phát triển bền vững, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 2020.
[4] European Commission, Directorate-General for Environment, Proposal for a regulation on deforestation-free products, Brussels, 17.11.2021.
[5] Nguyễn Thị Thu Hiền, Thúc đẩy xuất khẩu cà phê vào thị trường EU trong bối cảnh thực thi EVFTA, Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021
[6] Thế Hoàng, Xuất khẩu cà phê cả năm 2022 có thể vượt 3,8 tỷ USD, https://baodautu.vn/xuat-khau-ca-phe-ca-nam-2022-co-the-vuot-38-ty-usd-d179685.html, truy cập ngày 10/12/2022.