Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án “Đánh giá thực trạng phát triển cà phê Arabica và khả năng thực hiện trách nhiệm giải trình (EUDR) tại Việt Nam”, do Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) chủ trì với nguồn tài trợ của dự án “Thúc đẩy quản trị rừng và Thương mại gỗ bền vững thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA)” và dự án “Quản trị rừng, thị trường và khí hậu (FGMC)”, Trung Môi trường và Tài nguyên sinh học (CEBR) đã tiến hành các hoạt động tiền trạm, khảo sát thí điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, để có cơ sở dữ liệu giúp điều chỉnh phiếu phỏng vấn cho phù hợp với thực tiễn.
Trong thời gian từ ngày 18/04/2023 đến ngày 22/04/2023, các chuyên gia Nguyễn Thị Vinh, Trần Hải Nga cùng các cán bộ hỗ trợ kỹ thuật Nguyễn Thị Phương Anh và Nguyễn Thị Thảo đã làm việc với cán bộ các sở ban ngành tỉnh Nghệ An, UBND Thị xã Thái Hòa, UBND huyện Nghĩa Đàn, UBND xã Đông Hiếu, UBND xã Tây Hiếu, UBND xã Nghĩa Thành và các hộ gia đình trồng cà phê tại các địa phương trên.
Kết quả phỏng vấn sâu các cán bộ địa phương cho thấy, diện tích cà phê trên địa bàn Thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn trong những năm qua giảm mạnh, chỉ còn tập trung ở các Nông trường Tây Hiếu 1, Nông trường Tây Hiếu 2 và Nông trường Đông Hiếu, dưới sự quản lý của Công ty TNHH MTV Cà phê – Cao su Nghệ An. Cà phê trồng ở các địa phương này là cà phê Arabica, chủ yếu là giống Catimor, lai chéo cà giữa Timor và Caturra, dễ trồng, cho năng suất và khả năng kháng sâu bệnh cao. Cà phê Arabica chủ yếu trồng xen dưới tán cây cao su, thích hợp với vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ (Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thái Hòa), khí hậu ẩm, có sương mù và nhiều mưa. Đối với huyện Nghĩa Đàn, cà phê còn không nhiều do người dân chặt phá chuyển đổi cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, phục vụ chiến lược phát triển của Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An. Theo số liệu thống kê do Phòng NN & PTNT huyện Nghĩa Đàn cung cấp, trên địa bàn còn 6,5 ha (năm 2021) và giảm xuống còn 3,7 ha (năm 2022). Diện tích cà phê chỉ còn ở xã Nghĩa Thành, trồng xen trong cây cao su, năng suất thấp. Trong khi đó, trên địa bàn Thị xã Thái Hòa, diện tích cà phê rất ít thuộc Nông trường Tây Hiếu 1 với khoảng 40 ha (tập trung ở xã Tây Hiếu, trong đó có 3 đội nhiều nhất là: Phú Thuận, Nghĩa Hưng, Nghĩa Xuân). Phần diện tích cà phê ở hai đơn vị này đều là trồng xen cây cao su, năng suất thấp, hiện tại chủ yếu là tận thu và bán cho tư thương. Nông trường Đông Hiếu có 2 héc là đông đặc nhưng phân bố rải rác, đều là giống cà phê chè. Trước thời điểm 2017, cà phê còn diện tích lớn, được thu hái và bán cho của Công ty TNHH MTV Cà phê – Cao su Nghệ An, nhưng khi dây chuyền này ngừng chế biến (rang, sấy) thì người dân chỉ bán cho thương lái (thu mua trực tiếp tại vườn) hoặc cửa hàng tạp hóa (thu mua cho người gom tại Thị xã Thái Hòa). Cà phê có giá 2500 - 7000 đồng/kg quả tươi, tùy chất lượng và loại quả. Đặc biệt, cả Thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn không còn quy hoạch cà phê, về sản xuất kinh doanh thì chỉ tập trung vào cây cao su theo kế hoạch phát triển của Công ty TNHH MTV Cà phê – Cao su Nghệ An. Ngoài ra, người dân trồng mía nguyên liệu phục vụ cho Công ty TNHH Mía Đường Nghệ An (NASU) tại Quỳ Hợp và trồng cỏ voi phục vụ cho nhà máy sữa TH true MILK.
Kết quả phỏng vấn 20 hộ gia đình trồng cà phê ở xã Tây Hiếu và Đông Hiếu (TX. Thái Hòa) cho thấy, diện tích cà phê của các hộ gia đình dao động từ 0,5 ha đến 1,7 ha, đều trồng dưới tán cao su từ những năm 2015. Hiện nay, năng suất các lô cà phê của các gia đình này đều giảm, dao động từ 0,3-0,7 tấn/ha trong những mùa vụ gần đây. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình có 1-2 nhân công tham gia trồng và chăm sóc cà phê, thu nhập từ cà phê không đủ bù tiền phân bón, thuê công hái nên người dân có xu hướng tận thu tự nhiên, ít đầu tư và chăm sóc theo các quy trình để tăng năng suất. Thông tin từ các hộ gia đình cung cấp, hầu hết đất trồng cà phê đều là đất có giấy tờ hợp lệ thông qua hợp đồng thuê khoán với Công ty TNHH MTV Cà phê – Cao su Nghệ An và phải đóng thuế dịch vụ hàng năm lên tới 6%, cộng thêm khoản thuế đất dao động từ 2.500.000 – 3.500.000 đồng/ha. Điểm sáng cho các hộ trồng cà phê ở TX. Thái Hòa và Nghĩa Đàn, là người lao động được đảm bảo các quyền lợi từ BHXH đến quyền bình đẳng, quyền con người và hài lòng với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các hộ gia đình hầu hết không có kế hoạch gắn bó lâu dài với trồng, chế biến và xuất khẩu cà phê vì cho rằng giá cả cà phê thấp (dao động từ 3.000 – 8.000 đồng/kg quả tươi), không được chăm sóc nên giá trị kinh tế kém, trồng xen nên rợp bóng, quả ít, chủ yếu thương lái thu mua ép giá, công ty không thu mua.
Đặc biệt, các thông tin về thực hiện các trách nhiệm giải trình cà phê không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR), còn mới lạ với các hộ gia đình trồng cà phê (lần đầu tiên được tiếp cận), các thông tin về truy xuất nguồn gốc cà phê, hồ sơ đất đai, tọa độ địa lý vườn trồng, ảnh vệ tinh, ảnh trước và sau trồng cà phê gần như không có. Các thông tin về quản lý rủi ro, tài liệu xác định nguồn gốc, xuất xứ hợp lệ đề cà phê đủ điều kiện xuất khẩu không được tiếp cận, cung cấp. Vì vậy, đa số các hộ gia đình mong được cung cấp tìm hiểu thêm về EUDR, thông tin thêm cho người dân biết, đảm bảo giá cả thị trường để người dân chăm sóc, đầu tư vào cây cà phê. Xây dựng các bộ tiêu chí để tập huấn cho người dân.
Kết quả đợt tiền trạm khảo sát giúp các chuyên gia có cái nhìn sát thực nhất về hiện trạng phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trọng điểm là huyện Nghĩa Đàn và TX. Thái Hòa. Thực tế cho thấy, diện tích cà phê không còn nhiều, giá trị kinh tế không cao và người dân tận thu hàng năm bán cho tư thương. Các câu hỏi liên quan đến tham nhũng, tác động của EUDR lên quá trình sản xuất và đời sống của các hộ gia đình trồng cà phê cần điều chỉnh ngắn gọn. Hệ thống câu hỏi dài và trùng lặp, đòi hỏi cán bộ chuyên gia phải hỏi khéo léo để vừa đủ thông tin, vừa không gây khó khăn cho người trả lời. Nhóm chuyên gia sẽ tổng hợp thông tin và phản hồi để chỉnh sửa phiếu điều tra trong thời gian sớm nhất, kịp thời cho đợt thực địa tại Nghệ An.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH ĐỢT TIỀN TRẠM, KHẢO SÁT THÍ ĐIỂM

Vườn cà phê Arabica của gia đình Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, xã Tây Hiếu, TX. Thái Hòa

Phỏng vấn hộ gia đình Cao Thị Tâm, xã Tây Hiếu, TX. Thái Hòa

CEBR phỏng vấn sâu Ông Vũ Văn Cường, xã Đông Hiếu, TX. Thái Hòa

Phỏng vấn hộ gia đình trồng cà phê Hồ Thị Sâm, xã Đông Hiếu, TX. Thái Hòa

Vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Huyên, xã Đông Hiếu, TX. Thái Hòa

Phỏng vấn cán bộ huyện Nghĩa Đàn
Tin bài và ảnh: CEBR