Việt Nam là một trong những quốc gia có quy mô lớn và năng suất cao trong sản xuất cà phê trên thế giới. Sản lượng và năng suất liên tục được cải thiện trong hơn 10 năm qua, phần lớn nhờ thay đổi tập quán canh tác theo hướng thâm canh và bền vững, áp dụng các kỹ thuật canh tác tốt.
1. Diện tích trồng cà phê
Năm 2022, diện tích cà phê năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 710 nghìn ha, trong đó Tây Nguyên là vùng sản xuất cà phê chính của cả nước. Theo thống kê 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng chiếm 91,2% về diện tích trồng cà phê của cả nước.
Hình 1. Diện tích trồng cà phê của Việt Nam từ năm 2007 – 2022
Cà phê Robusta (cà phê vối) – cà phê có thế mạnh của Việt Nam chiếm tỷ trọng chính cả về diện tích với 93,06%, giữ vai trò chủ đạo trong kinh doanh, sản xuất và chế biến và được trồng tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông và Gia Lai. Cụ thể, diện tích cà phê vối ở Đắk Lắk là 204.000 ha, Lâm Đồng là 164.000 ha, Đắk Nông là 158.000 ha, Gia Lai là 91.000 ha, Kom Tum 17.000 ha, Bình Phước 15.000 ha, Đồng Nai 13.000 ha, Bình Thuận 3.000 ha, các tỉnh khác 5.000 ha.
Cà phê Arabica hay còn gọi là cà phê Chè, chiếm 6,94% về diện tích, được trồng chủ yếu ở Lâm Đồng và Sơn La, đây cũng là nơi tập trung các nhà máy sản xuất chế biến theo phương pháp ướt. Diện tích cà phê Chè ở Lâm Đồng khoảng 19.000 ha, Sơn La là 14.000 ha, Điện Biên có 5.000 ha, Quảng Trị có 5.000 ha, Đắk Lắc có 4.000 ha và các tỉnh khác có khoảng 4.000 ha.
2. Sản lượng cà phê
Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) trước đó cũng ước tính sản lượng cà phê robusta của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 giảm 10 -15% so với niên vụ trước xuống còn khoảng 1,5 triệu tấn do ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi và làn sóng chuyển dịch cây trồng sang các loại cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, bơ và chanh leo. Cụ thể, niên vụ 2021 – 2022, sản lượng cà phê đạt 1,8 triệu tấn, tăng so với niên vụ 2020-2021 0,18 triệu tấn. Sản lượng dự kiến của niên vụ 2023 dự kiến giảm mạnh hơn, chỉ còn khoảng 1,5 triệu tấn. Trong báo cáo mới nhất, Tổ Chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước.
Hình 2. Sản lượng cà phê Việt Nam từ niên vụ 2018-2019 đến niên vụ 2022-2023 (dự báo đến tháng 5/2023)
3. Năng suất cà phê
Năng suất cà phê tăng nhanh trong những năm qua và đạt 28,2 tạ/ha trong 2 năm 2021 và 2022, xu hướng giữ ổn định trong năm 2023.
Hình 3. Năng suất cà phê Việt Nam từ năm 2005 đến năm 2022[1]
Năng suất cà phê Việt Nam thường cao nhất trên thế giới, trung bình 2,6 tấn/ha nhân đối với Robusta và 1,4 tấn nhân/ha đối với Arabica. Cụ thể, đối với cà phê Robusta, ở Đắk Lắk năng suất đạt 2,4 tấn/ha, Lâm Đồng đạt 2,7 tấn/ha, Đăk Nông 2,6 tấn/ha, Gia Lai đạt 2,8 tấn/ha. Trong khi cà phê Arabica chỉ đạt năng suất 1,5 tấn/ha ở Lâm Đồng, 1,3 tấn/ha ở Sơn La, 1,9 tấn/ha ở Điện Biên, 1,1 tấn/ha ở Quảng Trị và 1,0 tấn/ha ở Đắk Lắk, còn lại các tỉnh khác trung bình khoảng 0,8 tấn/ha.
4. Tiêu thụ cà phê
Tiêu thụ cà phê thế giới được dự báo sẽ tăng 3,3% lên 170,3 triệu bao loại 60 kg trong niên vụ 2022-2023 so với 164,9 triệu bao của vụ 2020-2021. Như vậy, tiêu thụ dự kiến sẽ vượt sản xuất 3,1 triệu bao.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 866.121 tấn, trị giá hơn 2 tỷ USD, giảm nhẹ 3,9% về lượng và 0,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các hoạt động xuất khẩu cà phê đang cho thấy sự cải thiện tích cực sau khi giá mặt hàng này tăng lên mức kỷ lục mới. Trong tháng 5, xuất khẩu cà phê đã tăng tháng thứ hai liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng 4,9% về lượng và hơn 18,3% về trị giá, đạt 149.667 tấn, trị giá lên tới 384,7 triệu USD.
Hình 4. Khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2023[2]
5. Giá cà phê
Năm 2022, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 ghi nhận mức cao nhất trong nhiều năm qua với bình quân 2.282 USD/tấn, tăng 16% so với năm 2021. Đỉnh điểm giá cà phê đạt gần 2.600 USD/tấn vào tháng 10/2022.
Đối với thị trường trong nước, từ 2012-2022, giá hạt cà phê trong nước dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, không vượt được qua ngưỡng 40.000 đồng/kg. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên duy trì quanh mức 40.000 – 44.000 đồng/kg trong 7 tháng đầu năm, đến tháng 8 giá tăng vọt lên gần 51.000 đồng/kg, rồi biến động theo xu hướng giảm trong các tháng tiếp theo.
Hình 5. Diễn biến giá cà phê xuất khẩu từ năm 2020 - 2022[3]
Tính đến ngày 31/12, giá cà phê nhân xô tại tỉnh Lâm Đồng giá chỉ còn 38.600 đồng/kg; các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai dao động ở mức 39.200 – 39.300 đồng/kg, giảm hơn 22% so với mức đỉnh đạt được vào cuối tháng 8 và giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Hình 6. Giá cà phê nội địa trung bình trong năm 2022[4]
Sang năm 2023, giá cà phê tăng trở lại chạm mốc 43.000 đồng/kg vào ngày 31/1, tăng liên tục và mức giá kỷ lục 50.000 đồng/kg vào 10/04/2023 và mốc 60.000 đồng/kg vào ngày 25/5/2023. Theo hệ thống báo giá nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cà phê ngày 8/6/2023 cao nhất là 62.800 đồng/kg tại Đắk Nông và Kon Tum; tại Gia Lai có mức giá 62.500 đồng/kg, và Ia Grai giao dịch quanh mức 62.500 đồng/kg; thấp nhất tại tỉnh Lâm Đồng là 62.100 đồng/kg.
Hình 7. Diễn biến giá cà phê trong nước từ 02/01/2023 đến ngày 12/06/2023
6. Xuất khẩu cà phê vào thị trường EU
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, chiếm 8,3% thị phần xuất khẩu cà phê toàn cầu, chỉ đứng sau Brazil. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê ra thị trường thế giới trong năm 2022 với kim ngạch thu về 4,06 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 32% về trị giá so với năm 2021.
Hình 8. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2009 - 2022[5]
Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: EU, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh, Trung Quốc. Năm 2022 lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường chính có xu hướng tăng so với năm 2021 như Nga tăng 26,5%, Anh tăng gần 40%, đặc biệt Ấn Độ tăng 123,5%, Mexico tăng 18 lần, nhưng cũng ghi nhận sự sụt giảm ở các thị trường như Mỹ (-3,5%), Nhật Bản (-2,5%), Trung Quốc (-19,3%).
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 39% khối lượng xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong khu vực EU gồm Đức (đạt 224.723 tấn, giảm 0,9%); Italy (đạt 139.271 tấn, tăng 8,5%); Bỉ (đạt 121.865 tấn, tăng 101,5%); Tây Ban Nha (đạt 114.024 tấn, tăng 71,7%).
Hình 9. Cơ cấu thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022
Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU hiện nay là các yêu cầu về chất lượng, tính bền vững đối với các sản phẩm ngày càng gia tăng. Các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật để xuất khẩu cà phê vào thị trường EU, bao gồm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát chất ô nhiễm trong thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, độc tố nấm mốc, samonella, dung môi chiết xuất, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ và trách nhiệm trong thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm. Mới đây nhất, ngày 6/12/2022, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, EU đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê.
Tin bài: CEBR
[1] Số liệu tổng hợp của Cục Xuất nhập khẩu năm 2022
[2]Trần Đức Quỳnh, Văn Thị Minh Hằng, Báo cáo thị trường cà phê, tháng 5 năm 2023, VietnamBiz, 2023
[3] Số liệu từ Tổng cục Hải quan, 2022.
[4] Trần Đức Quỳnh, Văn Thị Minh Hằng, Báo cáo thị trường cà phê năm 2022, VietnamBiz, 2022.
[5] Trần Đức Quỳnh, Văn Thị Minh Hằng, Báo cáo thị trường cà phê năm 2022, VietnamBiz, 2022.